MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Việt Nam cần xây dựng chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Cường Ngô - Phạm Ngọc LDO | 20/12/2019 08:16
Phát triển phong trào khởi nghiệp, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế chia sẻ, hình thành nhiều tập đoàn kinh tế lớn... đó là những ý kiến đáng chú ý của các chuyên gia, doanh nhân tại Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức hôm qua (19.12).

Phát triển phong trào khởi nghiệp, mô hình kinh tế chia sẻ

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội - cho biết, bức tranh startup Việt Nam phát triển rất đáng chú ý khi số lượng startup đã tăng 4 lần từ con số 400 trong năm 2012 lên 1.800 trong năm 2015, số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm tăng gấp ba lần, số lượng các giao dịch cấp vốn tăng lên theo cấp số nhân. Theo xu hướng này, số lượng các dịch vụ của hệ sinh thái, các sự kiện khởi nghiệp, các “vườn ươm” doanh nghiệp đã tăng đáng kể, góp phần vào sự tăng trưởng chung của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

 “Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn “mới xuất hiện” sang giai đoạn “kích hoạt”, đòi hỏi phải phân tích kỹ lưỡng, lập sơ đồ các thành phần trong hệ sinh thái, mối quan tâm, nhu cầu hỗ trợ chính sách của họ. Trong khi đó, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng chính sách để củng cố các điều kiện chung cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, tiến sĩ Mạc Quốc Anh cho biết. Tuy nhiên, startup Việt vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục có sự ủng hộ về mặt chính trị, tạo lập môi trường văn hóa mới, để hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng của bức tranh startup Việt Nam.

Từ những phân tích trên, ông Mạc Quốc Anh đề xuất bốn khuyến nghị, đó là cần xác định, lập bản đồ, phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp tiềm năng, mối quan tâm, nhu cầu hỗ trợ chính sách. Tập trung xây dựng sự phối hợp và lòng tin giữa các thành phần.

Thiết lập mục tiêu chính sách chung và kế hoạch thực hiện để hỗ trợ các hệ sinh thái khởi nghiệp. Đảm bảo sự tham gia của các bên tham gia trong khu vực tư nhân và các bên liên quan chính khác trong quá trình này.

Hình thành nhiều tập đoàn kinh tế lớn

Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế. Bằng chứng là Việt Nam hiện đã có một số tập đoàn kinh tế lớn tiêu biểu, Chủ tịch của các tập đoàn kinh tế này đều có hoài bão, niềm tin, khát vọng xây dựng những thương hiệu mạnh không chỉ trên thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế. Ví dụ như Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương đề ra mục tiêu “Thaco trở thành tập đoàn đa ngành, chủ yếu là ôtô của Việt Nam và mang tầm ASEAN”. Chủ tịch BKAV Nguyễn Tử Quảng tin tưởng: “Các nhà sản xuất nội địa có thể chiếm thị phần của các tập đoàn toàn cầu, là bệ phóng để vươn ra thị trường toàn cầu, hoàn toàn có thể trở thành những Samsung, LG như của Hàn Quốc”. Chủ tịch Vingroup xác định sứ mệnh của tập đoàn là “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt Nam”.

“Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm...” - ông Mại nói. 

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa: Tất cả các phản ánh, góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân cho thấy tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự tổ quốc, nhân dân; Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn