MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh phiên toàn thể cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0. Ảnh: Hải Nguyễn

Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Đức Thành LDO | 03/10/2019 16:58

Sáng 3.10, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với một số bộ, ban ngành đồng thực hiện, đã diễn ra phiên toàn thể cấp cao với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Đồng chủ trì phiên toàn thể cấp cao là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

 

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá Việt Nam đang chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của cả thế giới, tuy nhiên mức độ chủ động tham gia của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, hành lang pháp lý còn chưa đầy đủ, tính sáng tạo còn bị hạn chế...

Từ thực tế ấy, ngày 27.9.2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng khi coi “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và một số lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham quan Triển lãm công nghiệp 4.0 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao. Ảnh: Hải Nguyễn

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, mặc dù chúng ta đi sau nhiều nước phát triển trên thế giới, song lại có những lợi thế nhất định. Cụ thể, “các nước đi sau thì ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0.

Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới. Chỉ cần có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Hiếm có Nghị quyết nào vừa ban hành được 1 tuần đã có cuộc hội nghị lớn để trình bày và tiếp thu ý kiến triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế là Chính phủ đã rất chủ động, có nhiều việc đã được chuẩn bị từ trước 1 - 2 năm với hàng loạt đề án liên quan.

Chính phủ cũng đã giao các bộ ngành những nhiệm vụ để trình Chính phủ xem xét ban hành. Ví dụ như những nhiệm vụ khoa học kỹ thuật trọng điểm quốc gia có liên quan tới Cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta đã xây dựng được chiến lược, nhưng giờ là lúc phải hiện thực hóa bằng các hành động cụ thể, có sự hưởng ứng chung tay của các bộ, ngành, của người dân".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn