MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp báo chiều 7.11. Ảnh: Vân Anh

Việt Nam cố gắng tạo cân bằng lợi ích tốt nhất sau khi Mỹ rút khỏi TPP

Vân Anh LDO | 07/11/2017 16:31
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với các nền kinh tế thành viên khác, tạo cân bằng lợi ích tốt nhất sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

Tại cuộc họp báo Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp SOM APEC 2017 diễn ra chiều ngày 7.11, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay từ đầu đã thể hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam. Trong phát triển kinh tế, đa dạng hóa cũng là một ưu tiên của Việt Nam.

"Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với các nền kinh tế khác, tạo cân bằng lợi ích tốt nhất sau khi Mỹ rút khỏi TPP, đáp ứng lợi ích các thành viên. Việc Mỹ có quay trở lại TPP hay không, chúng tôi bỏ ngỏ, bởi TPP là một tiến trình mở" - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Mỹ rút khỏi TPP.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong khuôn khổ hợp tác APEC có rất nhiều kênh khác nhau mà TPP chỉ là một kênh để liên kết hợp tác giữa các nền kinh tế khu vực. Ngoài TPP còn có những khu vực mậu dịch tự do sâu rộng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trên 150 hiệp định thương mại tự do song phương.

Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, tự do hóa thương mại là vấn đề cốt lõi trong hợp tác của APEC. Tiến trình hợp tác trong APEC thể hiện rõ APEC là diễn đàn hàng đầu để thúc đẩy tự do hóa thương mại, và tiến trình đó đã đem lại kết quả tích cực. Chẳng hạn, mức thuế quan trong APEC đã giảm từ 20 xuống khoảng 4-5%. Buôn bán trao đổi trong APEC tăng nhanh, hàng trăm triệu người vượt qua đói nghèo.

Trong quá trình đổi mới của Việt Nam, việc tham gia APEC đã giúp Việt Nam từ một nước thu nhập thấp, kém phát triển thành nước có thu nhập trung bình. Số người trong mức đói nghèo giảm nhanh, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn thừa nhận, trong các cuộc họp trao đổi trong APEC, xu hướng chống toàn cầu hóa ở một số nơi có tác động đến hợp tác. Bản thân các nền kinh tế APEC có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, nên mặc dù APEC vẫn tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại, nhưng mức độ nhanh hay chậm là tùy từng nền kinh tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, tất cả các nền kinh tế đều mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư trong khu vực, dưới những cách khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn