MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh tế Việt Nam năm 2024 được kỳ vọng có nhiều khởi sắc. Ảnh: Đỗ Tâm

Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng kinh tế - xã hội 2024

PHẠM ĐÔNG LDO | 01/01/2024 16:42

Theo đại biểu Quốc hội, để mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5% cần tập trung tối đa vào 3 trụ cột chính là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; tạo ra môi trường phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Kỳ vọng đón nhận các dòng đầu tư mới

Tại kỳ họp cuối năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6% đến 6,5%, mức tăng trưởng cao trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong triển khai các chính sách phát triển năm 2024.

Trong thời gian vừa qua, sự hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn được Chính phủ chú trọng thực hiện. Một số chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội đồng ý kéo dài sang năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước hồi phục.

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, chúng ta kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ tốt đà đang đi lên của nền kinh tế trong năm 2023, đặc biệt không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2024, mà còn tạo ra môi trường phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Đặc biệt, đại biểu cũng kỳ vọng sẽ đón nhận các dòng đầu tư mới theo xu thế phát triển mới đang có nhiều cơ hội vào Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đại biểu, năm 2024 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, mặc dù bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn đạt được những kết quả bước đầu.

Cùng trao đổi với Lao Động, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, cuối năm 2023, Việt Nam có được rất nhiều cơ hội, đặc biệt thông qua hoạt động đối ngoại, đem lại ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Theo bà Nga, các kết quả cuối năm 2023 là rất tích cực, tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Do đó, để mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6% - 6,5% cần tập trung tối đa vào 3 trụ cột chính đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Ngoài ra, phải khắc phục ngay những vấn đề bức xúc, quy định bất hợp lý mà cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh.

Việc tăng trưởng cũng phụ thuộc những biện pháp can thiệp của Nhà nước trong hỗ trợ, chính sách phát triển, đặc biệt liên quan đến chính sách về tín dụng và vốn đầu tư. Đó là những vấn đề quan trọng.

Ngành công nghiệp có những điểm sáng nhất định

Cùng nói về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) nêu rõ, công nghiệp nước ta cũng có những điểm sáng nhất định liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục được đầu tư.

Đặc biệt, các ngành chế tạo, các ngành máy tính, điện tử và bán dẫn là những ngành hiện nay đang bắt kịp được thị trường thế giới và chúng ta đang định hướng được cho những lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, một số ngành khác liên quan đến sản xuất hàng công nghiệp chế tạo, lắp ráp ô tô hoặc một số những ngành để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước tiếp tục có những khởi sắc.

Công nghiệp chế tạo luôn được xác định là một ngành chủ đạo tuy nhiên thị phần ngành công nghiệp chế tạo của nước ta hiện nay chưa được nhiều.

Theo đại biểu, đối với các nước phát triển, ngành công nghiệp chế tạo rất quan trọng với các thiết bị máy móc, các công nghiệp nền tảng để phục vụ cho các ngành sản xuất khác. Trong khi đó tỉ trọng ngành công nghiệp chế tạo của nước ta chưa nhiều.

Đại biểu nhận thấy, trong một thời gian dài chúng ta tiếp cận theo hướng là phát triển những ngành để hướng tới xuất khẩu nhiều hơn. Nhưng phần công nghiệp nền, công nghiệp chế tạo đòi hỏi phải có nền tảng công nghệ về kỹ thuật cao thì chúng ta chưa tiếp cận được nhiều.

"Chủ yếu chúng ta đang đi theo hướng bắt kịp những gì mà chúng ta hội nhập được nhanh. Còn đối với công nghiệp chế tạo nền tảng, hiện nay chúng ta phải xác lập lại và định hướng lại để có những chính sách phù hợp, đặc biệt có những đầu tư phù hợp, có những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này.

Từ đó chúng ta mới có thể xây dựng được nền công nghiệp tiên tiến và hiện đại, hội nhập với quốc tế", đại biểu nhìn nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn