MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân bay Changi, Singapore. Ảnh: Travel.

Việt Nam đã hỗ trợ gần 1.500 công dân bị kẹt trở về nước an toàn

Hải Anh LDO | 09/04/2020 19:33
Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ gần 1.500 công dân bị kẹt trở về nước an toàn, trong đó chủ yếu từ Châu Âu và Mỹ. 

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9.4, trả lời câu hỏi về tổng số người Việt Nam ở nước ngoài được hỗ trợ để về nước tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin, trong thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại cũng như trong nước "đã hỗ trợ gần 1.500 công dân Việt Nam bị kẹt trở về nước an toàn".

Về địa bàn của các công dân Việt Nam trở về nước bị mắc kẹt này, bà  Lê Thị Thu Hằng cho biết, chủ yếu từ Châu Âu và Mỹ. Trong quá trình quá cảnh, những công dân này kẹt lại tại các sân bay ở Nhật Bản, Nga, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và Thái Lan.  

Giải đáp câu hỏi của báo giới về tình hình công dân mắc kẹt ở Nhật Bản và Australia, bà Lê Thị Thu Hằng lưu ý, hiện này còn số ít công dân Việt Nam bị kẹt tại các sân bay quốc tế nước ngoài do các quốc gia và vùng lãnh thổ thay đổi chính sách về xuất nhập cảnh, quá cảnh; các hãng hàng không dừng, hủy các chuyến bay và thay đổi lịch trình bay do điều kiện phòng chống dịch COVID-19. Ngoài ra, một số công dân Việt Nam cũng đang gặp khó khăn về thị thực lưu trú tại nước ngoài do không tìm được các chuyến bay về nước.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không quốc tế, các cơ quan chức năng sở tại để tháo gỡ các khó khăn về thị thực lưu trú, đảm bảo chăm sóc y tế, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, hỗ trợ tìm kiếm, thu xếp các chuyến bay phù hợp để có thể về được Việt Nam.

"Tôi xin nhắc lại, không phải trong mọi trường hợp, cơ quan đại diện có thể giải quyết được tất cả các vướng mắc” - bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh. 

Bà Hằng cũng lưu ý, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam về nước, ưu tiên nhóm người cao tuổi, ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi, đảm bảo cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung ở trong nước.

"Riêng một số trường hợp người Việt Nam không có giấy tờ tùy thân và hợp đồng lao động hợp pháp ở nước ngoài sẽ cần tiến hành các thủ tục pháp lý với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để thẩm tra thân nhân và có phương án xử lý phù hợp", bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn