MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 25, ngày 30.5.2019. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đề xuất 3 tiêu chuẩn trật tự thế giới mới bền vững, hiệu quả

Ngọc Vân LDO | 30/05/2019 16:49
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu 3 tiêu chuẩn đối với một trật tự thế giới mới bền vững và hiệu quả tại Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 25.

Phát biểu tại Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 25 khai mạc ở Tokyo, Nhật Bản ngày 30.5, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, kinh tế toàn cầu phải đối mặt những thách thức lớn, từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, tình trạng trì trệ của thương mại quốc tế, gánh nặng nợ khổng lồ, đến biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực của công nghệ, và các điểm nóng xung đột khắp thế giới. Bất đồng đang gia tăng làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương đã được xây dựng trong những thập kỷ qua.

Theo Phó Thủ tướng, những biến động và thách thức trên có ảnh hưởng sâu rộng đến quản trị kinh tế toàn cầu cũng như quan hệ giữa các quốc gia và khu vực. Không một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ có thể tự mình giải quyết, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng thế giới. Trong bối cảnh đó, một trật tự quốc tế đa chiều đang từng bước được định hình.

Nhấn mạnh “một thế giới hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững là nguyện vọng của tất cả các quốc gia và dân tộc,” Phó Thủ tướng đã nêu ra ba tiêu chuẩn đối với một trật tự thế giới mới bền vững và hiệu quả.

Một là, củng cố chủ nghĩa đa phương bao trùm, tăng cường lòng tin và hợp tác, và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu có khả năng giải quyết các thách thức lớn của thế kỷ 21.

Hai là, trật tự thế giới mới được xây dựng và hoạt động trên cơ sở luật pháp, với Liên Hợp Quốc là trung tâm. Tất cả các quốc gia, dù lớn dù nhỏ đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh các luật lệ và chuẩn mực quốc tế; nước lớn không được dùng sức mạnh để chèn ép nước yếu hơn; tạo điều kiện để các nước vừa và nhỏ giữ được chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa các tập hợp lực lượng nước lớn.

Ba là, một trật tự thế giới bền vững cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng. Theo đó, trật tự quốc tế phải mang tính cởi mở, cân bằng giữa các ý thức hệ khác nhau, hướng đến phục vụ lợi ích của người dân và các quốc gia; các quy định và luật lệ được áp dụng một cách nhất quán và rộng rãi.

Phó Thủ tướng cho rằng, môi trường quốc tế thay đổi nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng đem lại những cơ hội quan trọng cho các quốc gia Châu Á.

Với chính sách đúng đắn, các quốc gia Châu Á có thể phát huy thế mạnh của mình, tận dụng xu thế phát triển mới và tham gia, thậm chí dẫn dắt quá trình định hình các khuôn khổ hợp tác quốc tế mới.

Từ góc độ kinh tế, chưa bao giờ khu vực này đứng trước nhiều tiềm năng to lớn đến thế. Đến năm 2050, dự kiến Châu Á sẽ chiếm tới 55% tổng sản lượng kinh tế thế giới và đóng góp 2/3 tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Với tiềm lực to lớn của mình, bên cạnh những đóng góp về kinh tế, đã đến lúc Châu Á có tiếng nói và vai trò lớn lớn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Phó Thủ tướng khẳng định, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người dân và Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và gìn giữ giá trị của hòa bình, ổn định: “Chúng tôi đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; ủng hộ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu. Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy hòa bình, ổn định, vì lợi ích chung và sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu".

Với quan điểm như vậy, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời đẩy mạnh cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, đầu tư cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Về quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. 

Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, lâu dài và quan trọng hàng đầu. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, logistics và công nghiệp phụ trợ, đồng thời tái khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn