MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông qua APEC, các doanh nghiệp cần nhanh chóng bắt nhịp để không bỏ lỡ cơ hội vàng của thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: APEC2023sf

Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao từ APEC

Nhóm PV LDO | 16/11/2023 16:59

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 (từ ngày 14 - 17.11) là cơ hội để Việt Nam tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác tiềm năng trên toàn cầu. Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ có thể quảng bá tiềm năng phát triển, mở ra những cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và dịch vụ với các đối tác.

Kinh tế tăng trưởng nhờ bước tiến trong APEC

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Lực - Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên - cho biết: "Để có thể thu hút thành công các tập đoàn công nghệ cao từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn, tiêu chí của họ đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh.

Xu thế tất yếu là phát triển xanh và thân thiện với môi trường theo hướng sinh thái. Trong các khu công nghiệp, cần phát triển các mô hình cung cấp năng lượng tái tạo hiệu quả như năng lượng mặt trời, LNG, các nguồn năng lượng sạch và thân thiện với môi trường...".

Dệt may cũng làm một trong những ngành hưởng lợi chính từ APEC. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết, từ khi tham gia APEC, tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam vào khoảng 15 - 17%/năm, cá biệt có những năm lên tới 22%.

"Tuần lễ cấp cao APEC lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội tiềm năng. Tôi cho rằng những nhà lãnh đạo sẽ đưa ra giải pháp chiến lược cho cộng đồng các nước APEC với nhau để thiết lập lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa các quốc gia và chiến lược của mỗi bên đều đã được định hình lại" - Chủ tịch VITAS kỳ vọng.

Theo TS Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch Hội đồng hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, APEC tập trung “hùm xám” kinh tế hàng đầu thế giới.

Vì vậy, khu vực APEC có tới trên 80% đối tác là quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam.

"Trong những năm gần đây sự phát triển của APEC theo hướng tăng cường hội nhập, tăng cường sự phát triển bao trùm, tăng cường sự hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đảm bảo cân đối kinh tế xã hội. Những sáng kiến đó trong cộng đồng APEC có tác động dẫn dắt hội nhập và phát triển trong nền kinh tế toàn cầu. Trong quá trình tham gia, Việt Nam gặt hái được rất nhiều thành công. Ngoài các giá trị có thể đo đếm được còn những giá trị vô giá khác, đó chính là động lực thúc đẩy cho cải cách, mở cửa, cải cách thể chế của đất nước. Những giá trị này tuy không đo đếm được nhưng có giá trị vô cùng to lớn đối với Việt Nam" - ông Lộc cho biết.

Cơ hội kết nối đầu tư

APEC sẽ quy tụ 15 trên 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Ông Bùi Hồng Dương - Trưởng Phòng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương - đánh giá: "Việt Nam có những ký kết, cam kết đầu tư với các đối tác nước ngoài trong khuôn khổ Hội nghị APEC. Bởi sẽ có những hội nghị cấp cao các nhà quản trị đầu tư hàng đầu, lúc đó, các doanh nghiệp Việt và đối tác nước ngoài sẽ đàm phán, thương thảo và có những ký kết, biên bản ghi nhớ về sự hợp tác đầu tư".

Để tận dụng cơ hội tiềm năng này, bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam - nhấn mạnh Việt Nam cần có những chiến lược và hành động đẩy mạnh việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đơn giản hóa hệ thống quy định pháp luật. Phát triển các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư mới và hoàn thiện các chính sách ưu đãi bổ sung (cả về thuế quan và thuận lợi thương mại) áp dụng cho các doanh nghiệp FDI.

Đồng thời, cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán của các hiệp định song phương/đa phương còn đang dở dang và rút ngắn lộ trình áp dụng thuế ưu đãi theo các hiệp định, các cam kết, ghi nhận song phương/đa phương.

"Các hiệp định thương mại chỉ có thể tối ưu hiệu quả khi doanh nghiệp biết đến và hiểu rõ những lợi ích của các FTA. Theo đó, Chính phủ và các Bộ, Ban ngành cần tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến tới các doanh nghiệp, tổ chức các hội thảo, trao đổi, thảo luận hướng dẫn áp dụng chính sách, tận dụng ưu đãi, từ đó thúc đẩy thương mại" - bà Ngọc nói.

APEC mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam đón dòng vốn đầu tư nước ngoài

Theo TS. Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DGCapital: APEC Không chỉ mối quan hệ song phương tốt đẹp với Mỹ, mà các hợp tác trong khuôn khổ APEC được thúc đẩy cũng sẽ góp phần quan trọng mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam đón dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, APEC cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường, thụ hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến.

Tuy mang lại nhiều cơ hội lớn nhưng các doanh nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn - những thách thức khi Việt Nam tham gia APEC, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bảo Chương ghi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn