MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Duarte Pacheco. Ảnh: TTXVN

Việt Nam kêu gọi nghị viện toàn thế giới tăng cường hợp tác phòng chống đại dịch

Song Minh LDO | 08/09/2021 07:00

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các nghị viện cần thể hiện vai trò dẫn dắt và đồng hành với các chính phủ, thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối gia tăng nguồn lực, phát huy sự nỗ lực, sức sáng tạo của mỗi người dân, doanh nghiệp để vượt qua đại dịch COVID-19.

Ba điểm nhấn từ thực tiễn Việt Nam

Nhân dịp khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) vào ngày 7.9, tại thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có thông điệp gửi tới hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực tuyệt vời, ý chí mạnh mẽ của Quốc hội Áo tổ chức hội nghị lần này trong bối cảnh u ám trên toàn cầu về đại dịch COVID-19, để các nghị sĩ được gặp gỡ trực tiếp thể hiện tinh thần đoàn kết đa phương, chung tay hành động chiến thắng đại dịch COVID-19, gìn giữ nền hòa bình, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cùng với nhiều cơ hội mới mở ra, thế giới hiện nay đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng về các cuộc xung đột kéo dài, nạn khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, nhất là sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch COVID-19… Đó là những thách thức mà không một quốc gia, hay riêng một cường quốc nào có thể giải quyết, mà phải là sự hợp tác đa phương, chung tay của các quốc gia.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nghị viện cần thể hiện vai trò dẫn dắt và đồng hành với các chính phủ, thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối gia tăng nguồn lực, phát huy sự nỗ lực, sức sáng tạo của mỗi người dân, doanh nghiệp để vượt qua đại dịch COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, gìn giữ môi trường hòa bình, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. Các nước đánh giá cao vai trò quan trọng của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) trong việc kêu gọi các nghị viện trên toàn thế giới tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế.

Là Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA-41) năm 2020 và tại Đại hội đồng AIPA-42, Quốc hội Việt Nam đã cùng các thành viên AIPA đoàn kết, ủng hộ chính phủ các nước ASEAN tập trung kiểm soát dịch COVID-19 với nhiều biện pháp thiết thực vì người dân, doanh nghiệp. Quốc hội Việt Nam vừa ban hành nghị quyết đặc biệt để Chính phủ chủ động kiểm soát dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ 3 điểm nhấn từ thực tiễn Việt Nam. Thứ nhất, người dân phải là trung tâm cho mọi nỗ lực và chính sách quốc gia. Hòa bình và phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi người dân được đảm bảo cơ bản các điều kiện sống an toàn và hạnh phúc, ấm no.

Thứ hai, thực hiện công bằng vaccine cho mọi người; củng cố hệ thống y tế tự cường; hợp tác sản xuất vaccine; chuyển đổi số quốc gia phải gắn với nâng cao kỹ năng số cho người lao động; tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông hàng hoá và dịch vụ; mở cửa cho việc đi lại qua biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế.

Thứ ba, Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và các cơ chế đa phương hiệu quả là cơ sở cho kết nối hài hòa giữa chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu với thực tiễn của khu vực và quốc gia vì hòa bình, phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020-2021, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy gắn kết giữa ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển khu vực.

Chủ tịch Quốc hội nêu 3 đề xuất để IPU hoạt động hiệu quả hơn nữa

Trước đó, trong cuộc gặp Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco hôm 6.9 theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ba đề xuất để IPU trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả hơn nữa. Đó là tích cực thúc đẩy những sáng kiến nhằm đổi mới hoạt động, nâng cao vai trò của IPU trong các vấn đề quốc tế hiện nay, nhất là phát triển hơn nữa quan hệ đối tác giữa IPU và Liên Hợp Quốc, đảm bảo lợi ích chung của các nghị viện thành viên; đóng góp vào sự phát triển của ngoại giao nghị viện thế giới, củng cố hợp tác đa phương; thúc đẩy Ban Thư ký IPU triển khai dự án hợp tác ba bên giữa nghị viện thành viên-IPU và Liên Hợp Quốc để hỗ trợ và tạo điều kiện để Quốc hội Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế, nhất là trong vấn đề phát triển bền vững, giảm nghèo, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Hai bên nhất trí cho rằng đại dịch COVID-19 đã phản ánh một thực tế, không một quốc gia đơn lẻ nào dù phát triển hay đang phát triển có thể giải quyết được các vấn đề toàn cầu mà hợp tác đa phương vẫn là phương thức tốt nhất, trong đó có hợp tác qua kênh nghị viện. Tất cả các nghị viện cần hợp tác với nhau và đặt niềm tin vào IPU để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn