MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm thư viện Đại học Harvard. Ảnh: VGP

Việt Nam kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Song Minh LDO | 16/05/2022 07:05

Phát biểu tại Đại học Harvard chiều 14.5 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Việt Nam kiên trì và nhất quán xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện tại

Phát biểu tại sự kiện, Giáo sư Thomas J.Vallely - Giám đốc Chương trình Việt Nam - Trường Harvard Kennedy và Hiệu trưởng Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard, ông Douglas Elmendorf, bày tỏ mong muốn lắng nghe các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về triết lý, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay. Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật.

Thủ tướng cho biết, nhờ đường lối đổi mới, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, từ một nền kinh tế kém phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỉ USD (so với 4,2 tỉ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142USD) (trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động).

Lý do phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ 

Thủ tướng khẳng định, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán, kiên định, xuyên suốt của Việt Nam từ khi giành được độc lập dân tộc năm 1945, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, nhất là từ đầu những năm 1990 khi Chiến tranh lạnh kết thúc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng xuất phát từ 3 lý do chủ yếu.

Một là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng chính là để góp phần giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với Việt Nam.

Hai là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một trong những yếu tố then chốt để bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia. Đây là tất yếu khách quan của việc mở cửa, hội nhập quốc tế.

Ba là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ giúp nâng cao thực lực, tiềm lực cho hội nhập sâu rộng, hiệu quả trong hệ thống kinh tế toàn cầu và thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Mục tiêu chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam: Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện, phải xây dựng nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả, bền vững; nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước.

Các địa phương cũng phải tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phục hồi nhanh trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, phải chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.

Ba trụ cột của nền kinh tế phát triển theo hướng này là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong đó, con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển.

"Cần xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn