MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ NNPTNT khuyến nghị các địa phương thực hiện nghiêm các khuyến nghị của EC về khai thác IUU, đặc biệt là lắp đặt thiết bị hành trình và tuân thủ quy định về vùng biển khai thác. Nguồn: Tổng cục Thuỷ sản

Việt Nam nỗ lực gỡ “thẻ vàng” khai thác hải sản

Khánh Vũ - Phước Tín LDO | 12/05/2020 15:53
Theo kế hoạch, dự kiến từ ngày 25.5 đến ngày 5.6.2020, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (DG-Mare) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và theo quy định (IUU). 

“Chạy nước rút” khắc phục các khuyến nghị của EC

Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NNPTNT), sau gần 3 năm kể từ khi EC đưa ra những khuyến nghị cảnh báo thẻ vàng IUU, Việt Nam đã nỗ lực khắc phục.

Qua 2 đợt kiểm tra, Đoàn Thanh tra của EC ghi nhận sự vào cuộc tích cực của Việt Nam trong việc khắc phục thẻ vàng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục. Trong đó nổi cộm và vấn đề lắp đặt thiết bị hành trình khai thác. Để EC gỡ thẻ vàng, cả hệ thống của Việt  Nam đã vào cuộc.

Tỉnh Cà Mau có khoảng 4.925 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 1.665 tàu có chiều dài 15m trở lên đánh bắt xa bờ. Sản lượng thủy sản hằng năm đạt trên 200.000 tấn.

Theo ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau, tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác ở vùng biển nước ngoài đã giảm cả về số vụ, lẫn số người vi phạm. Đến nay, tỉnh Cà Mau có 1.200/1665 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỉ lệ 72%. Trong đó, có 45/52 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định tỉ lệ 86,5%...

Tỉnh Bến Tre cũng triển khai có hiệu quả việc chống khai thác thủy sản IUU, trong đó đặc biệt chú ý về công tác tuyên truyền, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá; công tác đăng ký, đăng kiểm, giám sát hàng hóa qua cảng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, cập nhật dữ liệu tàu cá… Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở NNPTNT, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2019 trở lại đây, nhất là các tàu vi phạm sau Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực.

Các tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ đều bị lập hồ sơ, thủ tục để xóa đăng ký, thu hồi giấy phép khai thác theo quy định. Đến nay, nhóm tàu lớn có chiều dài từ 24m trở lên đã có 453 tàu lắp đặt thiết bị giám sát, đạt 96,58%. Các tàu lưới kéo có chiều dài từ 15m đến dưới 24m, đã có 875 tàu lắp đặt, đạt 50,75%. Mặc dù vậy, việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá ở Bến Tre vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do còn khá nhiều phương tiện trì hoãn chưa chịu lắp đặt...

Bình Định là một trong những tỉnh có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn. Để đón đoàn kiểm tra EC sang Việt Nam kiểm tra về công tác khắc phục IUU vào đầu tháng 6.2020, tỉnh Bình Định cũng đang gấp rút hoàn tất những khuyến nghị của EC. Tỉnh Bình Định hiện có 3.270 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác thủy sản ở vùng biển khơi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Đến thời điểm này, 69 tàu cá nhóm 1 đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar theo đúng lộ trình, đạt tỉ lệ l00%. Đối với tàu cá nhóm 2, đến nay đã lắp đặt đạt tỉ lệ 89%. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, Bình Định đã luôn triển khai mọi giải pháp để ngăn chặn tình trạng tàu cá của ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài; thúc đẩy các chủ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa đảm bảo theo lộ trình quy định; kiểm tra, xử lý và hỗ trợ các tàu cá không có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản mà vẫn đang hoạt động đánh bắt và những tàu cá mất tín hiệu khi đang hoạt động trên biển... để hỗ trợ họ đăng ký theo đúng quy định, tránh mọi vi phạm. 

Tỉnh Quảng Trị cũng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền kết hợp với các biện pháp “rắn” để xử lý các sai phạm trong việc khắc phục thẻ vàng IUU. Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, sở đã yêu cầu lực lượng chức năng, kiên quyết không cho tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m được phép ra khơi khai thác hải sản nếu khi chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản.  

Còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ

Ngư dân Trương Gia Tân, chủ tàu cá KH 99779, trú Hòn Rớ, Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, tinh thần chung là ngư dân rất ủng hộ việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá.

“Điều này giúp hoạt động của ngư dân trên biển đi vào nền nếp và an toàn hơn khi xảy ra tai nạn, nhất là sản phẩm đánh bắt đưa về tiêu thụ không bị đặt quá nhiều dấu hỏi, đồng thời trả lại hàng như trước đây” - anh Tân chia sẻ. Theo anh Tân, trên thực tế tại cảng cá Hòn Rớ, nếu tàu cá nào không lắp thiết bị giám sát tàu cá sẽ không được phép xuất bến. Tuy nhiên điều anh Tân và nhiều ngư dân khác bức xúc là thiết bị giám sát tàu cá mà doanh nghiệp cung ứng liên tục hư hỏng. “Hơn một tháng nay, tàu cá tôi nằm bờ vì thiết bị giám sát hư hỏng vẫn chưa được bảo hành xong” - anh Tân nói.

Tại tỉnh Quảng Trị, đến đầu tháng 4.2020, tỉnh Quảng Trị có 18 tàu cá có chiều dài trên 24m hoàn thành lắp đặt thiết bị giám hành trình và chỉ mới có khoảng 120 tàu từ 15m đến dưới 24m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân được cho là do chỉ có tàu cá có chiều dài trên 24m được nhà nước hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn các tàu từ 15m đến dưới 24m ngư dân phải tự bỏ tiền ra để lắp đặt thiết bị này nên nhiều hộ đang chần chừ chưa thực hiện, bởi nguồn kinh phí lắp đặt thiết bị hành trình khá lớn, khoảng từ 20-30 triệu đồng/tàu.

Tại nhiều tỉnh, một bộ phận ngư dân đang đắn đo, cân nhắc trong việc lựa chọn thiết bị giám sát hành trình. Ví như ở Quảng Ngãi, hiện chỉ có hai loại thiết bị của VNPT và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (Vishipel), được Tổng cục Thủy sản công nhận để cung cấp và lắp đặt cho tàu cá của ngư dân. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt và sử dụng hai thiết bị trên chênh lệch nhau đến cả chục triệu đồng nên nhiều ngư dân còn băn khoăn. Tại Quảng Nam cũng vậy.

Ngư dân Trần Văn Dồn (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An) - chủ tàu cá QNa-92224 cho biết: “Hiện tại có đến 6 công ty cung cấp thiết bị giám sát hành trình và chênh nhau hơn 5 triệu đồng/sản phẩm, nên nhiều người cũng băn khoăn. Bởi, ngoài chi phí mua máy, chúng tôi còn phải tốn tiền lắp đặt, phí duy trì hoạt động, bảo dưỡng định kỳ...

Theo Bộ NNPTNT, dự kiến vào đầu tháng 6 tới, đoàn kiểm tra EC sẽ đến Việt Nam kiểm tra khắc phục thẻ vàng IUU lần 3. Nếu Việt Nam chưa khắc phục được những khuyến nghị trước đó thì nguy cơ rất lớn “thẻ vàng” sẽ bị chuyển thành “thẻ đỏ”. Điều này đồng nghĩa với cánh cửa xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU sẽ bị đóng lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn