MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (giữa, hàng đầu) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo tại Hội nghị APEC 2006 do Việt Nam làm chủ nhà tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Apec.org

Việt Nam - thành viên tích cực đề xuất các sáng kiến và dự án cho APEC

Song Minh LDO | 13/11/2023 09:59

Trong 25 năm tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt là trong việc thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC 2017 khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC và sáng kiến về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10, ngày 15.11.1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia; đánh dấu quá trình phát triển và mở rộng của Diễn đàn, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Đóng góp của Việt Nam

Về những dấu ấn của Việt Nam trong 25 năm tham gia APEC, nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số ít thành viên đã 2 lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Hai là, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 150 dự án trên nhiều lĩnh vực.

Ba là, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban Thương mại và đầu tư, Ủy ban Quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, ứng phó với tình trạng khẩn cấp...

Bốn là, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao.

Sau khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC 2017, nhất là sáng kiến về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”.

Với Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và Kế hoạch Hành động Aotearoa triển khai Tầm nhìn được các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên thông qua, APEC đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra tháng 11.2017 tại TP Đà Nẵng.

Sự tham gia của Việt Nam trong Năm APEC 2023

Năm 2023, Mỹ đăng cai APEC lần thứ ba, tiếp theo các năm 1993 và 2011 với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC và kết hợp các hoạt động song phương tại thành phố San Francisco, Mỹ từ ngày 14-17.11. Chuyến công tác của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm Hội nghị cấp cao APEC đầu tiên diễn ra tại Mỹ, đồng thời đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập APEC, cho thấy sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung, cũng như đối với tiến trình APEC nói riêng.

Trong năm 2023, Việt Nam đã tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Mỹ, các thành viên APEC chủ chốt và các thành viên ASEAN trong APEC duy trì nguyên tắc thương mại - đầu tư tự do và mở của Diễn đàn, thúc đẩy đà hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm trong dài hạn, bảo đảm thành công của Năm APEC 2023; thúc đẩy đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN.

Việt Nam đồng thời tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đóng vai trò tích cực trong triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và tiếp tục phát huy các kết quả quan trọng của năm APEC 2017. Việt Nam là thành viên duy nhất tự nguyện báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa trên cả 3 trụ cột.

Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự APEC năm nay tại Mỹ cũng là một cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với Mỹ sau khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Nhân dịp dự APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có rất nhiều hoạt động tại San Francisco, gặp gỡ các giới chính quyền của Mỹ cũng như là các học giả, các doanh nghiệp của Mỹ để triển khai các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được khi quyết định nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

17 trên tổng số 20 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam

Khu vực APEC có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với an ninh, phát triển của Việt Nam. APEC là diễn đàn quy tụ 15 trên 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch. 13 trong 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang triển khai/đàm phán là với thành viên APEC. Trong đó, 17 trên tổng số 20 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn