MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Phi tối 28.10. Ảnh: BNG

Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm xuất sắc nhiệm vụ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Ngọc Vân LDO | 30/10/2021 06:22

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở Cấp cao Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Phi tối 28.10 cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục đảm nhiệm xuất sắc nhiệm vụ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ 2020-2021.

Kết quả đặc biệt

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, sự tham gia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên thảo luận lần này có nhiều ý nghĩa, kết quả đặc biệt. Thứ nhất, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Việt Nam đối với công việc của Hội đồng Bảo an, Liên Hợp Quốc và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, coi trọng vai trò của các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, tranh chấp khu vực. Đây cũng là ưu tiên cao của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021. Đặc biệt, vào tháng 4.2021 khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì rất thành công phiên Thảo luận mở Cấp cao với chủ đề này, nhận được sự hưởng ứng, tham dự đông đảo và đánh giá rất cao từ lãnh đạo các nước thành viên Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, thể hiện sự quan tâm, coi trọng của Việt Nam đối với khu vực Châu Phi cũng như Liên minh Châu Phi, đồng thời nhấn mạnh tình cảm gắn bó, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước Châu Phi. 

Thứ ba, bài phát biểu và những đề xuất của Chủ tịch nước được lãnh đạo các nước thành viên và các tổ chức tham dự phiên thảo luận hưởng ứng và đánh giá cao. Chủ tịch nước đã nêu nhiều đề xuất quan trọng, trong đó nhấn mạnh tôn trọng tính tự chủ, độc lập của các nước Châu Phi; đề nghị các nước Châu Phi mở rộng hợp tác, hội nhập, củng cố chủ nghĩa đa phương; tăng cường hợp tác Liên Hợp Quốc-Liên minh Châu Phi để chia sẻ kinh nghiệm toàn diện và hiệu quả...

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, qua sự kiện lần này, Việt Nam một lần nữa đã thể hiện, phát huy được vai trò, trách nhiệm và những đóng góp tích cực của mình trên cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; đồng thời tiếp nối thành công của tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 4.2021. 

"Với những kết quả và ý nghĩa đó, chúng ta có thể tin tưởng và hướng tới việc Việt Nam sẽ tiếp tục đảm nhiệm xuất sắc nhiệm vụ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ 2020-2021" - Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho hay.

Việt Nam coi trọng quan hệ với các nước Châu Phi

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, Việt Nam có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tất cả các nước Châu Phi, được xây dựng trên nền móng vững chắc là chính sách đoàn kết giữa các phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa từ những năm 50-60 của thế kỷ trước. Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và các nước Châu Phi không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Về chính trị, lãnh đạo các nước Châu Phi từ các thế hệ cao tuổi đến thế hệ lãnh đạo trẻ giai đoạn sau này đều có thiện cảm, sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 54/55 quốc gia Châu Phi.

Chính mối quan hệ chính trị tốt đẹp là vốn quý và đã tạo xung lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và các lĩnh vực quan trọng khác giữa Việt Nam và các nước Châu Phi. Kim ngạch trao đổi thương mại của Việt Nam với các thị trường Châu Phi từ mức 2,5 tỉ USD năm 2010 đã tăng 2,5 lần lên 6,8 tỉ USD năm 2020. Hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và khu vực chứng kiến sự gia tăng cả về số lượng, giá trị và địa bàn đầu tư. Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư gần 3 tỉ USD tại 12 nước Châu Phi.

Việt Nam và các nước Châu Phi luôn hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương trong đó có Liên Hợp Quốc. Vừa qua, với sự ủng hộ của tất cả các nước Châu Phi, Việt Nam đã nhận được số phiếu kỷ lục (192/193) để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ở chiều ngược lại, Châu Phi là châu lục đầu tiên và duy nhất cho đến nay Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn