MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đóng gói sầu riêng để xuất khẩu sang Trung Quốc ở Đắk Lắk, Việt Nam, ngày 15.9.2023. Ảnh: Xinhua

Việt Nam - Trung Quốc kiên trì phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa - Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) LDO | 12/12/2023 06:50

Tháng 2.1999, Tổng Bí thư hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã xác định phương châm 16 chữ phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Đây được coi là phương châm chỉ đạo nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới trong thế kỷ 21. Từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã được thúc đẩy và phát triển toàn diện dưới sự chỉ đạo, định hướng của phương châm này.

Những dấu mốc quan trọng

Dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ, năm 1999 và năm 2000, hai nước đã ký kết Hiệp định phân định biên giới trên đất liền và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, giải quyết xong hai trong ba vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ. Năm 2008, hai nước đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung, thực hiện mục tiêu xây dựng đường biên giới Việt - Trung thành biên giới hòa bình và hữu nghị, góp phần tạo môi trường hòa bình ổn định đối với sự phát triển của mỗi nước.

Năm 2002, lãnh đạo hai nước đã đưa ra mục tiêu hướng tới của quan hệ hai nước và nhân dân hai nước là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (sau gọi là tinh thần 4 tốt).

Năm 2008 hai nước đã nâng cấp thành quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, còn Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này. Việc nâng cấp quan hệ đã tạo một khung khổ hợp tác quan trọng để quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Láng giềng hữu nghị

Mối quan hệ hữu nghị đã được củng cố và tăng cường thông qua các chuyến thăm chính thức, các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao cũng như của các Bộ, ban ngành Đảng, Chính phủ và giữa các địa phương. Các chuyến thăm cấp cao đã trở thành truyền thống và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ hai nước. Có thể nói, Trung Quốc là nước mà lãnh đạo cấp cao Việt Nam có nhiều chuyến thăm nhất.

Nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, hai bên tiếp tục khẳng định những điểm quan trọng liên quan đến quan hệ hai nước, đó là: Kiên trì phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, củng cố tình hữu nghị truyền thống, tăng cường chia sẻ chiến lược, tăng cường sự tin cậy chính trị, quản lý tốt khác biệt.

Hai nước đã thiết lập được gần 60 cơ chế giao lưu, hợp tác từ Trung ương tới địa phương, liên quan gần như tất cả các lĩnh vực như Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung, Ðối thoại an ninh chiến lược, Ðối thoại chiến lược quốc phòng...

Hợp tác toàn diện

Tính toàn diện của hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc thể hiện ở cấp độ hợp tác gồm cấp Trung ương/Chính phủ và cấp địa phương; chủ thể tham gia gồm bộ ngành, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, người dân; lĩnh vực hợp tác bao trùm từ ngoại giao, quốc phòng, an ninh đến kinh tế, văn hóa... Trong đó, kinh tế thương mại là một trong những lĩnh vực hợp tác được mở ra đầu tiên sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ và là lĩnh vực hợp tác đạt được thành quả nổi bật.

Về thương mại, sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng gần 9 lần (từ 20,8 tỉ USD lên 175,5 tỉ USD). Trong vài năm qua, mức độ mở cửa thị trường của Trung Quốc đối với một số loại hoa quả của Việt Nam đã tăng lên, từng bước khắc phục tình trạng hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua thương mại tiểu ngạch rủi ro cao và không ổn định.

Về đầu tư, sau 15 năm (2008 - 2023), đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt về thứ bậc. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 2,92 tỉ USD vào Việt Nam, đứng thứ hai sau Singapore về khối lượng đầu tư.

Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Việc lãnh đạo cao nhất của hai Đảng duy trì trao đổi thường xuyên, định hướng, dẫn dắt quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có vai trò định hướng chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước”. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Việt Nam sau 7 năm kể từ năm 2017 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một sự kiện vô cùng quan trọng trong quan hệ hai nước. Đây là dịp để lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đi sâu trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực; đưa ra phương hướng, nhận thức chung quan trọng mang tính chỉ đạo nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trong tình hình mới hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn