MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình (thứ ba, trái sang) và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ ba, phải sang) cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tại triển lãm CMCN 4.0. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Việt Nam tự tin đủ nguồn lực thực hiện cách mạng Công nghiệp 4.0

ĐỨC THÀNH LDO | 05/10/2019 11:05

Để triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vừa được Bộ Chính trị ban hành hôm 27.9, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tiếp thu những ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và kinh nghiệm chia sẻ từ các chuyên gia quốc tế nhằm cụ thể hóa từ chủ trương thành hành động.

CMCN 4.0 còn là cuộc cách mạng về thể chế

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để khẳng định phương hướng đưa đất nước hội nhập và phát triển. Nói về vấn đề này, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhìn nhận: Đây là cơ hội to lớn, là bước ngoặt quan trọng để chúng ta bứt phá, vươn lên bắt kịp các quốc gia phát triển. Trong Nghị quyết 52, Đảng yêu cầu phải tiếp cận mở, theo hướng sáng tạo, tạo cơ hội cho những ý tưởng mới đột phá, dám thí điểm để phát triển. Phần lớn các quốc gia trên thế giới cuộc CMCN 4.0 chính là cuộc cách mạng về thể chế với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp số, tạo ra sự bùng nổ. Nếu cứ làm theo khuôn khổ truyền thống, thiếu sáng tạo, thiếu đột phá trong bối cảnh hiện nay sẽ không phù hợp, như thế tự chúng ta đã kìm hãm sáng tạo, tự kìm hãm sự phát triển. Tạo cơ hội cho những đột phá chính là bản chất của cuộc cách mạng lần này. Trước nay, chúng ta theo lối mòn, cái gì không quản lý được thì cấm nên không thúc đẩy được đổi mới sáng tạo. Như thế chúng ta sẽ đứng lại, CMCN 4.0 tràn qua mà không bắt kịp thì chúng ta sẽ đứng lại hoặc tới sau. Tất nhiên, cũng có nhiều nguy cơ nên chúng ta phải có bản lĩnh, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng bác bỏ nỗi lo về vấn đề chúng ta còn nghèo, không đủ nguồn lực để đảm bảo thực hiện thành công. “Chúng ta có hai thế mạnh, thứ nhất là vốn, thứ hai là con người. Nói về vốn, các nước phát triển đã trải qua 3 cuộc cách mạng nên trở ngại đối với họ là không dễ gì từ bỏ những gì đã có. Việt Nam chúng ta đang có xuất phát điểm yếu hơn nhưng lại có thể đón đầu, bỏ qua những bước đầu tư tốn kém của giai đoạn trước để bắt kịp vào CMCN 4.0. Về nguồn lực, chủ yếu do cơ chế chính sách mang lại, chúng ta đổi mới cơ chế chính sách sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin đủ nguồn lực cho cuộc CMCN 4.0. Vấn đề còn lại là phải phát huy được sức mạnh của toàn xã hội” - ông Bình tin tưởng.

Nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế

Để chuẩn bị nguồn lực đầy đủ với sự “hậu thuẫn” của cả hệ thống chính trị, chúng ta còn có được những kinh nghiệm quý báu của nhiều quốc gia khác đã, đang thành công trên con đường 4.0. Chia sẻ kinh nghiệm của đất nước mình, ông Bak Song Kim - thành viên Ban cố vấn Tổng thống Hàn Quốc về xây dựng thành phố thông minh (TPTM) - cho rằng, để xây dựng được một TPTM rất cần những cải tiến về cung cách quản trị, trong đó, vai trò của cấp trung ương vô cùng quan trọng vì xây dựng được một mô hình TPTM đã khó, duy trì hoạt động của TPTM còn khó hơn nhiều. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, ban đầu, việc đầu tư rất tốn kém mà đôi khi nguồn lực của nhà nước khó có thể đáp ứng, bởi vậy, hình thức hợp tác công - tư (PPP) được chọn lựa và cho thấy sự thành công. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng tận dụng rất tốt nguồn lực từ các trường đại học, đầu tư có các ý tưởng nghiên cứu từ trong nhà trường để phát triển TPTM. Ngoài ra, sự tham gia của người dân cũng không thể bỏ qua vì chỉ khi chúng ta cung cấp được các dịch vụ theo hình thức mới, tiện lợi và hiệu quả cho người dân thì họ sẵn sàng chi trả chi phí hoặc đóng thuế để TPTM hoạt động, ngược lại, nguy cơ không đủ kinh phí để hoạt động có thể xảy ra” - ông Bak Song Kim nói. Ông Bak cũng khuyến nghị, đối với Việt Nam “Chính phủ cần đưa ra những phương thức quản lý đổi mới, tạo cơ chế thí điểm theo từng khu vực nhỏ để thử nghiệm công nghệ trước để đánh giá mức độ thành công”.

Trong khi đó, TS Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Vietnam, Cambodia và Lào - khẳng định, 5G chính là nền tảng cho cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số, xây dựng TPTM… hay bất cứ một sự tiến bộ công nghệ nào mới trong tương lai và cam kết Qualcomm đã, đang và sẽ tiếp tục sẵn sàng cung cấp các giải pháp công nghệ để đảm bảo sự hội nhập và thành công của Việt Nam vào cuộc CMCN 4.0. “Hiện tại, Qualcomm đang hỗ trợ Việt Nam triển khai mạng 5G để có thể ra mắt vào năm 2020. Đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ sản xuất thiết bị 5G để Việt Nam không chỉ tự cung cấp mà còn có thể đưa ra thế giới” - ông Nam khẳng định. Ở một góc nhìn khác, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam - ông Dennis Brunetti - cho rằng, công nghệ giờ đây chính là một nguồn tài nguyên vô tận. Nếu như trước đây chúng ta khai thác tài nguyên dầu khí, than đá để phục vụ lợi ích nhưng gây ảnh hưởng xấu tới môi trường thì tài nguyên công nghệ lại hoàn toàn ngược lại. Nhìn về quá khứ, năm 2010, khi Việt Nam có mạng 3G để kết nối internet thì GDP của Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt. Bởi vậy, 5G tới đây cũng sẽ giống như cảng biển, sân bay, đường cao tốc để kết nối quốc gia, thành phố nên chính phủ cần thiết phải đảm bảo tạo cơ hội cho những khả năng sáng tạo.

Sẽ không còn “Còi to cho vượt”

Thừa nhận những tồn tại như lãnh đạo các địa phương nêu chưa có hành lang pháp lý cần thiết, quy chuẩn chung cho các mô hình phát triển để đồng bộ và dễ dàng kết nối, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá: Chính phủ điện tử (CPĐT), TPTM gần đây đang “trăm hoa đua nở” nhưng thời gian thực hiện dài quá. Điều này có cái hay là đúc rút được kinh nghiệm, “còi to cho vượt” nhưng khi phải kết nối, làm bài bản thì tắc nghẽn. Đây là thời điểm phải có người số 1. Vấn đề các địa phương nêu ra cơ bản đều liên quan đến “cái ông số 1”. Trong thời gian hữu hạn lại cho thí điểm quá dài, không có mục tiêu cụ thể, cũng không có sự tập trung chỉ đạo nên đến giờ lộ ra nhiều vấn đề. Chính phủ đã nhìn thấy, đã có giải pháp, có lộ trình. Hiện chúng ta có Ủy ban về CPĐT, có nhiệm vụ điều hành, kết nối CPĐT với TPTM để quản lý đồng bộ. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu ra 5 phương án cụ thể để đẩy mạnh việc tham gia CMCN 4.0 hiệu quả. Giám đốc Grab Việt Nam Yew Heng Lim cho rằng, việc thúc đẩy kinh tế chia sẻ cần có những chính sách linh hoạt với những công ty công nghệ có khả năng tiếp tục thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn