MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các sỹ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: TTXVN

Việt Nam và Hội đồng Hòa bình Thế giới: Tình cảm hữu nghị tốt đẹp hơn 7 thập kỷ

Thanh Hà LDO | 22/11/2022 09:32

Ngày 22.11, Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Sự kiện là dịp để Việt Nam thúc đẩy đoàn kết quốc tế, tiếp tục những nỗ lực đóng góp vào phong trào chung của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cũng là dịp để tri ân sự ủng hộ và đóng góp của Hội đồng Hòa bình thế giới và các tổ chức thành viên với Việt Nam trong suốt những năm qua. 

Biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế

Hội đồng Hòa bình thế giới thành lập năm 1949, là cơ quan lãnh đạo phong trào hòa bình thế giới, tập hợp đại diện của 135 tổ chức bảo vệ hòa bình thuộc các đảng cộng sản và cánh tả các nước. 

Hội đồng Hòa bình thế giới và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử đặc biệt. Hơn 7 thập kỷ qua, trải qua 21 kỳ Đại hội, Hội đồng Hòa bình thế giới luôn đồng hành, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử. Năm 1950, tại Đại hội lần thứ hai của Hội đồng Hòa bình thế giới diễn ra ở Ba Lan, lần đầu tiên Hội đồng Hòa bình thế giới ra nghị quyết đối với Việt Nam, kêu gọi ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Những năm 1960, khi quân đội Mỹ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam, Hội đồng Hòa bình thế giới, với sự lãnh đạo của Chủ tịch Romesh Chandra khi đó, đã tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Hội đồng Hòa bình thế giới cũng đoàn kết, kề vai sát cánh ủng hộ trong thời kỳ Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới. Năm 2010, Hội đồng Hòa bình thế giới ra Nghị quyết lấy ngày 10.8 hằng năm là ngày quốc tế đoàn kết với nạn nhân da cam Việt Nam. Hội đồng Hòa bình thế giới cũng luôn ủng hộ Việt Nam trên các vấn đề chủ quyền biển đảo và nhân quyền.

Với vai trò thành viên sáng lập, Việt Nam luôn chủ động tham gia và tổ chức nhiều hoạt động quan trọng ủng hộ cho phong trào hòa bình thế giới nói chung và các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới nói riêng, được Hội đồng và các thành viên đánh giá cao. Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Hòa bình thế giới, Việt Nam được tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch, thành viên Ban Thư ký Hội đồng trong nhiều nhiệm kỳ. Gần đây nhất, năm 2017, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công hội nghị Ban Chấp hành của Hội đồng tại Hà Nội.

Với các tổ chức thành viên của Hội đồng, Việt Nam luôn là biểu tượng của niềm tin, của khát vọng hòa bình, công lý, chính nghĩa và lẽ phải, của tình đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tinh thần đoàn kết đó luôn có vị trí, vai trò đặc biệt trong mặt trận đoàn kết quốc tế nói chung và trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam nói riêng. 

Lòng biết ơn, tri ân của Việt Nam

Về việc Hội đồng Hòa bình thế giới lựa chọn tổ chức Đại hội lần thứ 22 tại Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu cho hay: "Đây là trách nhiệm cũng là vinh dự rất lớn của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam, cũng là cơ hội để chúng ta giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử, truyền thống đấu tranh, gìn giữ độc lập, tự do của đất nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như về những thành tựu đổi mới đất nước".

Về thông điệp mà Việt Nam muốn chuyển tới bạn bè quốc tế qua đại hội, ông Uông Chu Lưu cho biết: "Chúng ta muốn gửi tới một thông điệp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Cùng với đó, tuyên truyền tới bạn bè quốc tế về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, các đối tác, trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ; là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế".

Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam chỉ ra, hiện nay, Việt Nam được bạn bè quốc tế, nhất là các tổ chức thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới quan tâm, muốn tìm hiểu về những thành tựu, bài học kinh nghiệm trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần này là dịp cho thấy sự lựa chọn đó của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam rất đúng đắn. Sức sống của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã mang đến những thành tựu mà bạn bè quốc tế đã thừa nhận và có ấn tượng rất tốt.

"Một điểm nữa chúng tôi muốn truyền tải tới bạn bè quốc tế là lòng biết ơn, tri ân của Việt Nam tới bạn bè quốc tế, trong đó có Hội đồng Hòa bình thế giới và các tổ chức thành viên của Hội đồng suốt hơn 7 thập kỷ qua, đã luôn kề vai sát cánh, ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước ngày nay" - ông nói thêm. 

Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam nhấn mạnh, giờ đây, khái niệm bảo vệ, gìn giữ hòa bình được hiểu theo nghĩa rộng hơn: Hòa bình không chỉ là không có chiến tranh; hòa bình còn là vấn đề phát triển, môi trường, quyền con người, công lý và lẽ phải. Việt Nam cần tham gia trên bình diện rộng hơn để đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình bền vững. "Tôi muốn nhấn mạnh lại thông điệp Đại hội lần thứ 22 lần này: Đoàn kết quốc tế, chung tay hành động vì hòa bình, hợp tác và sự phát triển bền vững" - Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn