MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Túc. Ảnh: XUÂN HẢI

Vô tình thừa nhận tài sản kê khai không trung thực là hợp pháp

XUÂN HẢI (thực hiện) LDO | 08/03/2018 10:29
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đã nói với PV Báo Lao Động như vậy về việc để xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đề xuất mức thuế suất áp dụng để truy thu thuế có thể ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý tại thời điểm xác minh.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai; tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý, qua tìm hiểu nghiên cứu từ nhiều nước trên thế giới, việc xử lý được thực hiện từ các phương thức chính, bao gồm: Xử lý thông qua bản án hình sự của tòa án, thông qua trình tự tố tụng dân sự, thông qua xử phạt hành chính (tịch thu tài sản, thu nhập) hoặc công cụ về thuế (truy thu thuế thu nhập cá nhân).

Chính phủ đề xuất phương án xử lý thông qua việc truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý và coi đây như là khoản thu nhập vãng lai phát sinh mà người kê khai hoặc vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai phải nộp theo quy định.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, nếu áp dụng tương tự pháp luật về thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì mức thuế suất áp dụng để truy thu thuế có thể ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý tại thời điểm xác minh.

Tuy nhiên, đề xuất này gặp phải nhiều tranh luận của các đại biểu, có ý kiến đồng ý nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng nếu truy thu thuế ở mức 45% giá trị tài sản kê khai không trung thực sẽ vi phạm Luật Phòng, chống rửa tiền và nhấn mạnh cần phải sung công những tài sản kê khai không trung thực.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Túc cho biết: Tôi đồng ý với ý kiến của các đại biểu cho rằng cần phải thu hồi tài sản kê khai không trung thực, tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Và tôi cũng không đồng tình với đề xuất truy thu thuế ở mức 45% giá trị đối với tài sản kê khai không trung thực, nếu thực hiện như vậy thì vô tình thừa nhận tài sản kê khai không trung thực là hợp pháp, như vậy rất nguy hiểm.

Theo tôi, đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì Nhà nước hãy tạm thu hồi toàn bộ để xác minh, làm rõ nguồn gốc sau đó sẽ xử lý sau. Vì liên quan đến tài sản có nhiều vấn đề. Do vậy để thận trọng hơn trong việc xử lý tài sản kê khai không trung thực, tôi đề nghị hãy giữ lại số tài sản này cho đến khi nào chứng minh được thì sẽ trả lại. Nếu không chứng minh được thì thu hồi toàn bộ số tài sản đã kê khai không trung thực. Như vậy, vừa có lý vừa có tình.

Tại sao như vậy, vì tôi biết một số trường hợp có con cái nước ngoài gửi về đưa tiền cho bố mẹ bằng cách mang về cho không khai báo cho hải quan. Trường hợp thứ 2, đó là doanh nghiệp làm ăn phát đạt nhớ đến những người - đa phần là cán bộ lãnh đạo, trước đây đã giúp đỡ mình thời khai trương, khởi nghiệp, giờ làm ăn tốt nhớ đến người đó, nên sẵn sàng biếu tặng những tài sản rất có giá trị như nhà biệt thự, xe sang. Những tài sản, quà tặng được biếu này không kê khai, nhiều người giấu, tuy nhiên tôi thấy tài sản đó quang minh chính trực thì vẫn phải kê khai.

- Tức là dù tài sản của ai cho, biếu tặng nhưng vẫn phải kê khai rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc để chống tham nhũng trong cán bộ có chức quyền, thưa ông?

- Đúng vậy. Việc kê khai tài sản thể hiện sự minh bạch của người cán bộ, để chứng tỏ và khẳng định số tài sản của người có chức quyền có được không phải do tham nhũng mà có.

Việc kê khai tài sản ở Việt Nam còn nhiều vấn đề, pháp luật của mình chưa rõ ràng, hệ thống quản lý của mình chưa đồng bộ. Ở nước ngoài quản lý cán bộ, quản lý tiền tệ, tài sản chủ yếu thông qua tài khoản, ngân hàng, nhưng mình chủ yếu vẫn qua tiền mặt thành ra khó kiểm soát. Từ đó dẫn đến chuyện phong bì, và không chỉ có phong bì mà cả va li tiền. Ví dụ, qua các vụ án tham nhũng tòa án đang xét xử đều cho thấy việc hối lộ thể hiện bằng làn tiền, va li tiền. Do vậy, tôi xin nhắc lại, trong khi chưa xác minh tài sản kê khai không trung thực nên giữ lại tài sản đó để xác minh và nếu tài sản đó không có nguồn gốc thì sung công, chứ tôi không đồng ý truy thu thuế 45% giá trị tài sản kê khai không trung thực. Nếu áp dụng như vậy, mặc nhiên Nhà nước thừa nhận việc làm sai trái của người kê khai tài sản không trung thực.

- Vậy, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, cũng như quản lý được tài sản đối với người có chức, có quyền, theo ông cần có những giải pháp cụ thể gì?

- Trước khi đề bạt, trước bầu cử cán bộ đảng viên thì người cán bộ đảng viên phải kê khai tài sản rõ ràng, minh bạch, công khai tại cơ quan, đơn vị công tác cũng như nơi cư trú, sau đó các cơ quan chức năng như Mặt trận Tổ quốc phải xác minh xem người cán bộ đó kê khai có đúng không. Nếu kê khai không đúng thì loại ngay vì lý do không trung thực. Và để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc này tôi cho rằng phải tăng quyền giám sát, phản biện cho Mặt trận Tổ quốc các cấp, vì trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nói gì thì nói mặt trận cũng phải xin ý kiến của cấp ủy nên vẫn có hạn chế.

Để phòng, chống tham nhũng đối với người có chức, có quyền thì phải tập trung vào việc giám sát quyền lực và kiểm soát việc kê khai tài sản của người có chức quyền. Nếu làm được như vậy thì tham nhũng sẽ không có đất ẩn thân.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tôi cho rằng Đảng phải cương quyết, quyết liệt hơn nữa, phải loại bỏ ngay những cán bộ đảng viên thoái hóa ra khỏi bộ máy để làm trong sạch Đảng.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn