MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ BTV Minh Tiệp bị tố bạo hành: Người làm về văn hóa không nên hành xử bạo lực

Lê Phương LDO | 28/05/2018 17:19

Chiều 28.5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vụ BTV của Đài truyền hình bị tố bạo hành em vợ, ĐB Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng từ một sự việc không quá nghiêm trọng, nhưng phản ứng thiếu kiềm chế đã gây hậu quả khó lường.

Theo ĐB Phạm Tất Thắng, liên quan đến vấn đề này, rõ ràng có hai câu chuyện: Một câu chuyện liên quan đến công việc nội bộ của một gia đình có người nổi tiếng; thứ hai là liên quan đến sự can thiệp, sự ảnh hưởng, hiệu ứng của mạng xã hội.

Với câu chuyện thứ nhất, đã là chuyện gia đình thì theo truyền thống Á Đông sẽ tìm cách giải quyết nếu không quá nghiêm trọng. Dù về mặt ứng xử văn hóa, rõ ràng những người có hiểu biết nhất định, thậm chí nổi tiếng hoặc làm việc trong lĩnh vực văn hóa không nên có hành xử mang tính bạo lực, nhất là mối quan hệ anh rể - em vợ.

“Nếu trót không kiềm chế, thiếu kiểm soát mà trót hành xử như vậy thì nên trao đổi mang tính gia đình. Gia đình không xử lý được, quá nghiêm trọng mới cần sự tham gia của các bên khác có liên quan”, ông Thắng nói.

Ngoài ra, theo ông Thắng, như báo chí phản ánh, có thể đây là hành vi bột phát của anh rể với em vợ trong lúc nóng giận. Giờ thành câu chuyện xã hội, cơ quan chức năng phải vào cuộc thì sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mối quan hệ của các thành viên trong gia đình và người trực tiếp là anh rể - em vợ, bố mẹ, quan hệ vợ chồng…

Vì hiệu ứng mạng xã hội, mọi thông tin đều được đăng tải và phát tán nhanh chóng. Có những việc trước đây có thể ta không biết, thấy không quá nghiêm trọng nay qua mạng xã hội phát hiện nhanh, kịp thời và do tốc độ lan truyền lớn nên tạo dư luận ở các khía cạnh khác nhau sẽ làm cho sự việc được xã hội hết sức quan tâm, thành một sự việc nghiêm trọng.

Phải cân nhắc mạng xã hội, phát huy tích cực như thế nào và hạn chế tiêu cực ra sao và đặc biệt là cách ứng xử của mỗi thành viên trong xã hội với mạng xã hội. Làm sao để đừng để bị mạng xã hội chi phối, đừng lạm dụng hay lợi dụng nó vì những mục đích không đúng đắn.

“Xâu chuỗi hai câu chuyện lại thấy một sự việc vốn không quá nghiêm trọng: anh rể khi nóng giận có tát em vợ 1 - 2 cái. Xưa không có mạng xã hội giải quyết dễ, nay thành việc rất lớn. Vấn đề là chúng ta phải duy trì các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội nói chung và trong một cộng đồng nhỏ, một gia đình cũng phải dè chừng chuyện này. Chỉ cần hành động thiếu kiềm chế, gặp 1 phản ứng thiếu kiềm chế sẽ gây hậu quả khó lường”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn