MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ đại biểu Quốc hội có quốc tịch Síp: Sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Vương Trần LDO | 25/08/2020 20:49
"Chúng tôi sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định" - ông Trần Văn Tuý, Trưởng Ban Công tác Đại biểu trao đổi với PV Lao Động trước thông tin một đại biểu Quốc hội có quốc tịch Síp.

Mới đây, báo chí nước ngoài phản ánh, một vụ rò rỉ các tài liệu mật của Chính phủ Cộng hòa Síp cho thấy hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ tại một số nước đã có "hộ chiếu vàng" của Síp trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019.

Đáng chú ý, tờ Al Jazeera phản ánh một người tên Phạm Phú Quốc - là đại biểu Quốc hội ở Việt Nam có hộ chiếu Síp.

Ông Phạm Phú Quốc là đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều 25.8, thông tin trên báo chí cho hay, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận mình có 2 quốc tịch, trong đó quốc tịch thứ hai tại Síp. Quốc tịch thứ hai tại Síp của ông Quốc do gia đình bảo lãnh vào năm 2018.

Liên quan tới thông tin này, tối 25.8, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trần Văn Tuý - Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Theo thông tin phản ánh, ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch thứ hai tại Síp từ năm 2018 nhưng cho tới nay cũng chưa có báo cáo cơ quan này. Do đó, sự việc này sẽ được báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định. 

"Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cùng các cơ quan có liên quan cũng sẽ phải có báo cáo về việc này. Sau đó theo quy trình, chúng tôi sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định" - ông Tuý thông tin.

Theo Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Tuý, trong Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) cũng đã có quy định rõ về việc là đại biểu Quốc hội thì không được có 2 quốc tịch. Điều này được quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) áp dụng cho nhiệm kỳ mới.

"Trước đó, tuy không có quy định trong Luật này nhưng theo thông lệ, một đại biểu Quốc hội là chỉ có 1 quốc tịch" - ông Tuý lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn