MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Buổi làm việc giữa lãnh đạo ĐH Công nghiệp Hà Nội làm việc với Báo Lao Động. (Ảnh: PV)

Vụ “Những kỳ kiến tập hãi hùng”: ĐH Công nghiệp tiếp thu phản ánh của Báo Lao Động

Huyên Nguyễn LDO | 28/07/2017 10:32
Sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài phóng sự điều tra “Những kỳ kiến tập hãi hùng”, ĐH Công nghiệp Hà Nội ngay lập tức tiếp thu phản ánh của báo, kiểm tra thông tin, chấm dứt hợp đồng thực tập của sinh viên với Cty TNHH May Hưng Nhân và triển khai hoạt động thực tập sản xuất mới cho sinh viên.

Làm việc cùng PV Báo Lao Động về sự việc trên, bà Bùi Thị Ngân – Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội - cho biết, chỉ mới nắm được thông tin khi báo phản ánh. Đơn thư và kiến nghị của sinh viên, lãnh đạo khoa đã nắm được nhưng lại chủ động xử lý và không báo cáo ban giám hiệu. Theo đánh giá của Phó Hiệu trưởng nhà trường, lãnh đạo khoa chưa nắm bắt hết thực tế vấn đề, cách hiểu còn đơn giản và chủ quan trong xử lý tình huống.

Riêng về đào tạo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Các chương trình của nhà trường xây dựng với mục tiêu chính là phục vụ cho người học và người học ra trường có việc làm. Đưa sinh viên đi thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp là nội dung được nhà trường đưa vào chương trình đào tạo chính khoá. Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa đối với sinh viên, giúp các em trải nghiệm thực tế, hiểu được quy trình, dây chuyền sản xuất, việc thực hiện an toàn lao động, thực hiện quy tắc 5S trong doanh nghiệp, những yêu cầu của doanh nghiệp trong tuyển dụng nhân sự. Nhà trường cũng cử cán bộ giảng viên làm việc với doanh nghiệp để có những điều chỉnh trong dạy học theo đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, bà Ngân cũng thừa nhận việc phản ánh của sinh viên nếu trong 1 tháng chỉ thực hiện đúng 1 quy trình như ghim bông, trần bông, nhặt chỉ... thì cần xem xét lại quá trình triển khai thực tập của sinh viên đó. Đây là việc cần sự phối hợp giữa sinh viên, giáo viên hướng dẫn và doanh nghiệp.

Liên quan tới nội dung phản ánh về thời gian kiến tập 3 tháng, TS Kiều Xuân Thực - Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường - cho biết: Nhà trường luôn chú trọng quá trình thực tập, thực tế cho sinh viên tại doanh nghiệp. Với chương trình thiết kế thời trang có học phần tên là "Thực tập doanh nghiệp" (3 tín chỉ). Theo quy định tại Thông tư 07.2015 của Bộ GDĐT, 1 tín chỉ tối thiểu 45 giờ, tối đa không khống chế tuỳ theo tính chất, hàm lượng công việc, yêu cầu học tập, kĩ năng. Mỗi khoá, mỗi năm, mỗi đợt, căn cứ thực tế liên hệ với doanh nghiệp, nhà trường sẽ quy định cụ thể và thông báo cho sinh viên trước kỳ thực tập.

Với những phản ánh của sinh viên trên báo chí, đại diện nhà trường cũng thừa nhận quy trình lập kế hoạch thực tập, công bố và thực hiện kế hoạch của sinh viên còn thiếu chặt chẽ để lại những hiểu lầm đáng tiếc.

Ngay trong ngày 26.7, đại diện nhà trường đã xuống làm việc cùng công ty, chấm dứt hợp đồng kiến tập của sinh viên và xây dựng kế hoạch kiến tập tiếp theo cho sinh viên. Theo đó, sinh viên sẽ được kiến tập tại cơ sở của nhà trường.

Đại diện nhà trường cũng cho hay, vì là môi trường giáo dục đào tạo nên nhà trường không đặt vấn đề tiền lương lên trên mà đặt vấn đề kinh nghiệm và kiến thức thu lượm sinh viên đạt được. Sản phẩm các em làm, công ty sẽ có phần hỗ trợ cụ thể đối với năng lực của từng em.

Qua sự việc trên, bà Bùi Thị Ngân – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Đây là một bài học cho các giáo viên trong trường về cách xử lý tình huống, thông báo và hướng dẫn kiến tập, thực tập cho sinh viên. Quan điểm của nhà trường là khi có ý kiến phản biện luôn luôn cầu thị, tiếp thu những điểm còn sai sót, hạn chế và mong muốn làm rõ sự việc, từ đó, có thêm giải pháp và kinh nghiệm trong đào tạo, quản lý sinh viên.

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn