MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Hải Nguyễn

"Vững tay chèo" để năm 2023 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất

PHẠM ĐÔNG LDO | 22/01/2023 06:31

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, năm 2022 với nhiều thách thức, Chính phủ đã đoàn kết, sáng tạo đưa ra những chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động với những quyết sách đột phá, kịp thời đã giúp kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ, thể hiện sự “vững tay chèo trong sóng cả”. Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ tiếp tục được tạo đà, hưởng lợi từ việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế.

Điểm tựa là sự phục hồi của kinh tế năm 2022

Năm 2022, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ đã gây khó khăn hơn khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình KT-XH phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2022, tình hình KT-XH khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%.

Đáng chú ý, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình KT-XH của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023, trong đó dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5 - 8,2%, thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á.

Những con số tích cực, biết nói ở trên đã cho thấy sự chủ động, linh hoạt, điều hành hiệu quả của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh - Đoàn Bắc Giang cho rằng, đây là thành công rất lớn của Chính phủ trong điều hành KT-XH năm 2022.

Theo ông Phạm Văn Thịnh, rất nhiều nội dung vướng mắc của Chính phủ đã được nêu ra. Khi Chính phủ có đề nghị đều được Quốc hội đưa ra thảo luận, xem xét kịp thời để có những quyết sách sớm đưa vào thực tiễn.

Điều đó đã đem lại những tác động tích cực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Việc giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp công tác triển khai giải ngân vốn dù có chậm nhưng đã được tháo gỡ.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh. Ảnh: Quốc hội

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, thời điểm đầu năm 2022, thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết số 11 với nhiều chính sách được cụ thể hóa. Các chính sách được Chính phủ ban hành rất cụ thể, có cả các văn bản hướng dẫn, do đó có thể áp dụng ngay vào thực tiễn.

Theo ông Lực, việc hỗ trợ cho người lao động, giúp cho người lao động có thể quay lại các khu công nghiệp, khu chế xuất từ đó có thể hồi phục sản xuất kinh doanh là một trong những việc làm được tiến hành ngay lập tức và nó đem lại hiệu quả tương đối lớn. 

Bước qua năm 2022, qua nhiều thách thức cam go, nhưng Chính phủ đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm vượt khó, luôn “vững tay chèo trong sóng cả” để đạt được những kết quả kinh tế - xã hội vô cùng tích cực. Những kết quả này sẽ là tiền đề để Việt Nam hoàn thành mọi mục tiêu được đề ra trong năm 2023.

Triển vọng tăng trưởng tích cực năm 2023

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 được Quốc hội thông qua mới đây có đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. 

15 chỉ tiêu chủ yếu cho 2023 và 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, thể hiện quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ trong bối cảnh khó khăn.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Phạm Đông

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Hải Dương cho biết: "Thời gian tới sẽ thay đổi một cách rất mạnh mẽ, định hình lại nền kinh tế thế giới nên chúng ta phải tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn để dự báo sự phát triển như thế nào, từ đó hình thành một hệ thống chính sách mới. Tôi nghĩ rằng phải thay đổi quyết liệt và mạnh mẽ, chúng ta mới có thể giữ được nhịp độ phát triển như hiện nay...".

Theo bà Nga, năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm “bản lề” để tạo ra những chuyển biến thực chất trong tận dụng các động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn 2021-2025. Do vậy, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng là điều cần thiết.

Bà Nga nhấn mạnh, việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2022 hay không - không phải là sức ép lớn nhất. Nền kinh tế vẫn đang trên đà tăng trưởng, duy trì thu hút đầu tư trong và ngoài nước tốt bên cạnh giữ vững nhịp độ xuất khẩu cao.

“Đích đến cuối cùng là đem lại cho nền kinh tế chúng ta có sự tăng trưởng ổn định. Các mặt liên quan đến công tác an sinh xã hội, công tác quốc phòng, an ninh đều được đảm bảo một cách vững chắc”, bà Nga nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn