MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc. Ảnh: Nhật Bắc

Vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công do "tự mình đem đá buộc chân"

Ái Vân LDO | 21/02/2023 16:47

Liên quan tới những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, những vướng mắc hiện tại là do "chúng ta tự mình gây ra, tự mình đem đá buộc chân mình". Những vấn đề này thuộc thẩm quyền và những vấn đề chúng ta giải quyết.

Tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ ngày 21.2, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nêu nhiều vấn đề liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm: "Cuộc họp hôm nay, chúng ta giải quyết vấn đề khó khăn nhưng thực ra đang giải quyết "vấn đề thuận lợi". Bởi vì cái khó khăn nhất là không có tiền để làm, "đầu tiên là tiền đâu" mà bây giờ có tiền rồi mà không làm được".

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, những vướng mắc hiện tại là do "chúng ta tự mình gây ra, tự mình đem đá buộc chân mình", còn thực ra mà nói thì những cái này thuộc thẩm quyền và những vấn đề chúng ta giải quyết.

Tư lệnh ngành Tài chính nêu rõ: Vướng mắc hiện nay có 2 vấn đề. Thứ nhất là trong công tác chuẩn bị đầu tư và vấn đề thứ hai là trong việc thực hiện đầu tư.

Ông lấy ví dụ trong chuẩn bị đầu tư, quy định hiện hành là: "Khi có tiền thì mới được lập dự án đầu tư, thế thì khi chúng ta bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì 2 năm sau mới giải ngân được.

"Để gỡ nút thắt này, chúng tôi đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Và khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc gì cả. Thế nhưng bây giờ chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.

Do vậy, Bộ trưởng Tài chính cho rằng các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc.

Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững,…

Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho rằng: Theo quy định, cấp tỉnh phê duyệt đơn giá. Tỉnh phải phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù. "Việc này tôi thấy không có vấn đề gì khó khăn hết", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Về kiến nghị của các đại học liên quan đến vay vốn WB, Bộ trưởng Tài chính cho biết, theo chương trình vay và cho vay lại thì phải có tài sản đảm bảo.

Hiện nay, chỉ có Đại học Quốc gia TPHCM là có tài sản đảm bảo, còn lại các trường đại học không có. "Chúng tôi đưa ra giải pháp là đề nghị WB cho Đại học Quốc gia TPHCM đi trước".

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Nhật Bắc

Làm rõ thêm một số nội dung có liên quan và kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nêu rõ: Kết quả đạt được của năm 2022 rất tích cực với tỷ lệ giải ngân là 93,5%.

Đây là thành quả của quá trình nỗ lực, hết sức cố gắng của năm 2022 từ Trung ương đến địa phương, nhất là những chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ, các Tổ công tác; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và sự nỗ lực của các nhà đầu tư, các bộ ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Do vậy quan điểm của Bộ KHĐT rất mong muốn và đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục phát huy những kết quả chúng ta đạt được trong năm 2022 và tiếp tục làm tốt hơn nữa trong năm 2023 với lý do năm 2023 tiền nhiều hơn, nhiệm vụ nhiều hơn nhưng cũng có thuận lợi là nhiều việc chúng ta đã giải quyết được trong năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn