MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương còn một số vướng mắc. Ảnh: Hải Nguyễn

Vướng mắc về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương

Vương Trần LDO | 04/09/2023 17:12

Các quy định của pháp luật hiện hành không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) là cơ quan chủ trì soạn thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết.

Một trong những vướng mắc trong đầu tư xây dựng đường bộ tại quy định hiện hành được Bộ KHĐT nêu đó là quy định liên quan về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương.

Theo Tờ trình của Bộ KHĐT, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đột phá chiến lược trong huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt việc phân cấp cho các địa phương chủ động huy động nguồn lực, tham gia đầu tư các công trình giao thông quốc lộ, cao tốc để giải quyết các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.2.2022 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện các đoạn tuyến cao tốc theo hình thức đầu tư công qua địa bàn.

Bên cạnh đó, Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu quan điểm: “Thể chế hoá các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong việc huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện cho các địa phương”.

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương có văn bản đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những bức xúc về hạ tầng giao thông tại địa phương.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng.

Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, việc đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc lộ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương do Bộ GTVT quản lý, quyết định đầu tư và bố trí vốn thực hiện.

Đối với các tuyến đường cao tốc, việc quản lý đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24.2.2010 của Chính phủ.

"Như vậy, các quy định của pháp luật nêu trên không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương" - Tờ trình của Bộ KHĐT nêu rõ.

Bộ KHĐT cũng thông tin, thực tế, một số địa phương tiếp tục đề xuất làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT như: Quốc lộ 56 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quốc lộ 80 tỉnh Kiên Giang, Quốc lộ 54 tỉnh Vĩnh Long, các cao tốc Mộc Châu - Sơn La, Bắc Ninh - Phả Lại đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, Tuyên Quang - Phú Thọ giai đoạn 2, Tuyên Quang - Hà Giang - Thanh Thuỷ, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua thành phố Hải Phòng, Ninh Bình…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn