MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Hoo Chiew-Ping, giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Malaysia. Ảnh: TTXVN

Vượt qua thách thức, bảo đảm định hướng phát triển ASEAN

Thanh Hà LDO | 12/11/2020 07:45

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15.11.2020 theo hình thức trực tuyến. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 cũng như các hội nghị cấp cao liên quan, thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 9.11 cho biết. Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các cấp cao liên quan là đợt hoạt động quan trọng nhất của ASEAN trong năm, thu hút sự quan tâm rộng rãi trong và ngoài khu vực.

Dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự lễ Khai mạc và phát biểu chào mừng hội nghị; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nữ ASEAN.

Đạt được kết quả mong muốn

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 “là dịp quan trọng để lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì đà hợp tác và liên kết khu vực, ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN cũng như định hướng phát triển phù hợp cho ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định”.

Chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “Mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 là sự thành công và hội nghị chỉ thành công khi tất cả những công việc chúng ta đề ra, thực hiện có kết quả từ đầu năm đến nay được công bố. Đây là kỳ vọng nhất của Việt Nam tại hội nghị lần này”.

“Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 vào thời điểm cực kỳ khó khăn" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ thêm. Ông chỉ ra, đầu tiên là sự bùng nổ dịch COVID-19 hoàn toàn bất ngờ, “làm đảo lộn toàn bộ những công việc Việt Nam chuẩn bị trong hai năm 2018-2019 dành cho năm 2020”. Thêm vào đó, trong khi tất cả các nước đều lo ứng phó với dịch bệnh, tập trung bảo vệ sinh mạng người dân, việc đảm bảo những mục tiêu lâu dài để xây dựng, phát triển cộng đồng tiếp tục được duy trì là thách thức với nước Chủ tịch ASEAN 2020.

Do đó, Việt Nam buộc phải thích ứng bằng cách chuyển đổi lại các kế hoạch để đáp ứng đúng những gì các nước ASEAN đang cần nhất. Việt Nam đã chuyển sang việc ưu tiên chống COVID-19. Bên cạnh đó, do không muốn dừng tất cả những công trình của ASEAN từ trước đến nay, không muốn quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN bị đứt đoạn, Việt Nam tiếp tục đưa ra các sáng kiến duy trì việc xây dựng Cộng đồng. Đây cũng là một thách thức vô cùng lớn với nước Chủ tịch ASEAN khi khối lượng công việc có lúc tăng gấp 2-3 lần.

“Với những nỗ lực không ngừng từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả mong muốn đối với các mục tiêu đặt ra trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020” - ông Nguyễn Quốc Dũng nói.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thời gian qua, những sáng kiến của Việt Nam cùng những nỗ lực chung của ASEAN đã giúp khu vực đứng vững trước đại dịch COVID-19 và sớm đi vào phục hồi. Do đó, những kết quả được thông báo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ định hướng kế hoạch cho ASEAN tới sau 2025, bảo đảm cho định hướng phát triển ASEAN. “Bởi vậy, những đóng góp của Việt Nam không chỉ cho công việc trước mắt mà ở cả những giai đoạn lâu dài” - ông Dũng nhấn mạnh.

Ấn tượng với sự chuẩn bị của Việt Nam

Trước thách thức từ đại dịch COVID-19, Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020 - được các học giả quốc tế đánh giá là đã thực hiện tốt các biện pháp ứng phó đại dịch, đồng thời chuẩn bị các tình huống dự phòng khác nhau mà ASEAN phải đối mặt, cũng như đã làm tốt trong việc đảm bảo ASEAN tiếp tục gặp gỡ và hoạt động.

Nhìn lại những gì diễn ra từ đầu năm 2020 tới nay, theo TTXVN, Tiến sĩ Ngeow Chow Bing - Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya (Malaysia) - nhận xét, trước sự bùng phát bất ngờ của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã thực hiện tốt các biện pháp ứng phó. Tiến sĩ cũng rất ấn tượng bởi “Việt Nam còn chuẩn bị các tình huống dự phòng khác nhau mà ASEAN phải đối mặt”. Chính trong khoảng thời gian đầy thách thức đó, theo Tiến sĩ Ngeow Chow Bing, Việt Nam đã làm tốt trong việc đảm bảo rằng ASEAN tiếp tục gặp gỡ và hoạt động.

Tiến sĩ Hoo Chiew Ping - Giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Malaysia - cũng cho rằng, đại dịch COVID-19 là thách thức đối với Việt Nam khi quốc gia Chủ tịch ASEAN. Trong bối cảnh đó, chủ đề năm ASEAN 2020 - “Gắn kết và chủ động thích ứng” càng trở nên nổi bật và phù hợp với tình hình mới.

Theo Tiến sĩ Hoo Chiew Ping, việc các cuộc đối thoại và hội nghị ASEAN được duy trì và thực tế là một số hội nghị cấp cao với các đối tác đối thoại ASEAN sẽ được tổ chức cùng với Tuần lễ Cấp cao ASEAN cho thấy vai trò lãnh đạo to lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy giao tiếp nội khối trong khi duy trì quan hệ đối tác với các đối tác bên ngoài. “Việt Nam sẽ thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình để triệu tập các cuộc họp và đối thoại của ASEAN tương lai trong trường hợp xuất hiện sự gián đoạn và đây không phải là một kỳ công dễ dàng” - học giả từ Đại học Quốc gia Malaysia nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn