MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường. Ảnh: T.Vương

Xã hội hoá y tế nhưng tránh bị lạm dụng, nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo

Nhóm PV LDO | 24/10/2022 11:36

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải cho rằng, mặc dù có xã hội hoá trong y tế nhưng hiện nay y tế công lập vẫn là chủ yếu, trên 90% vẫn thông qua hệ thống khám, chữa bệnh của Nhà nước. Cho nên, mặc dù tự chủ, xã hội hóa trong y tế nhưng vai trò của nhà nước vẫn là chính, là trọng tâm, là chủ đạo.

Vấn đề "thu đúng, thu đủ" trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, xã hội hoá y tế, tự chủ tài chính là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội liên quan tới Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đặc biệt, trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc bất cập liên quan tới vấn đề này. Bên hành lang Quốc hội, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trao đổi với PV Lao Động.

Thưa đại biểu, “thu đúng, thu đủ” trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là vấn đề được nhiều người quan tâm trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này. Theo ông, để đảm bảo “thu đúng, thu đủ” nhưng không gây quá nhiều áp lực cho người bệnh, phải làm thế nào?

- Vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh là vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe của nhân dân. 

Mặt khác, giá khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp đến Quỹ BHYT, ngân sách Nhà nước cũng như khả năng chi trả của mỗi người dân chúng ta.

Dự thảo Luật tại Điều 108 đã quy định về chi phí khám, chữa bệnh; các căn cứ để tính giá khám chữa bệnh và được thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá thông qua Luật Giá (sửa đổi). 

Tôi đề nghị Bộ Y tế cần phải phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng những quy định liên quan đến giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dự thảo trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 này. 

Tôi cho rằng, chúng ta cần hết sức quan tâm, nghiên cứu, cho ý kiến thật kỹ nội dung quan trọng này khi thảo luận về Luật Giá (sửa đổi). Vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải được giải quyết thấu đáo, hiệu quả để tháo gỡ được nhiều khó khăn, đặc biệt là đảm bảo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, có khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế. 

Vậy, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có nên được quy định và thống nhất quản lý bởi Nhà nước hay giao cho cơ sở y tế?

- Liên quan đến vấn đề giá, tôi xin lưu ý về vấn đề quản lý giá thuốc, hiện tại chúng ta chưa có quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh, chỉ mới khống chế giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc của bệnh viện.

Do vậy, tôi đề nghị giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải được Nhà nước thống nhất quản lý tại Luật Giá (sửa đổi) theo đó ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; Khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế, thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa; Quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh. 

Một vấn đề cũng được nhiều cử tri quan tâm, đó là vấn đề xã hội hoá y tế. Điều này được thể hiện như thế nào trong dự thảo luật lần này?

- Qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy sau khi tiếp thu, chỉnh lý nội dung xã hội hoá đã được các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra quy định khá cụ thể tại Điều 107 dự thảo Luật. Có thể nói trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã thể hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến nội dung này. Nghị quyết 20 của Đảng có nói đến xã hội hoá và thực tế cho thấy hệ thống y tế tư nhân về cơ bản hoạt động tốt, góp phần khám, chữa bệnh, đáp ứng được một phần nhu cầu của Nhân dân. 

Tôi nghĩ đây cũng là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, trong khi nguồn lực của Nhà nước dành cho lĩnh vực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân. 

Mặc dù có xã hội hoá trong y tế nhưng hiện nay y tế công lập vẫn là chủ yếu, trên 90% vẫn thông qua hệ thống khám, chữa bệnh của Nhà nước.

Cho nên, mặc dù tự chủ, xã hội hóa trong y tế nhưng vai trò của nhà nước vẫn là chính, là trọng tâm, là chủ đạo.

Tại Điều 4, Điều 5 dự thảo Luật về các chính sách của Nhà nước, có quy định thể hiện Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, phát triển hoạt động khám, chữa bệnh. Điều 5 có 5 nội dung nói về trách nhiệm quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh. 

Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát lại các nội dung để dự thảo Luật phản ánh đúng trách nhiệm và chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề khám, chữa bệnh đó là vai trò chủ đạo, tính chủ đạo được thể hiện ở những nội dung này, kể cả trong vấn đề xã hội hóa thì vai trò chủ đạo trong xã hội hóa đối với khám, chữa bệnh như thế nào.

Theo tôi, Nhà nước luôn phải giữ vai trò chủ đạo trong khám chữa bệnh cho nhân dân, xã hội hóa y tế nhưng tránh bị lạm dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn