MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ số định danh cá nhân, cơ quan công an đã cấp gần 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip trên toàn quốc. Ảnh: Hải Nguyễn

Xác định hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc

Vương Trần LDO | 12/03/2023 12:48

Bộ Công an đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cho công dân trên toàn quốc, đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định Hồ sơ dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Bộ Công an là cơ quan soạn thảo, lập hồ sơ dự án luật này.

Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Căn cước công dân nêu rõ, ngày 1.7.2021, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân đã được chính thức đưa vào vận hành. 

Trên cơ sở dữ liệu dân cư đã thu thập, Bộ Công an đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cho công dân trên toàn quốc, đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia. 

Để đảm bảo độ chính xác của thông tin công dân trước khi đưa vào hệ thống, Bộ Công an ban hành các quy trình về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và kiểm tra, phúc tra thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gắn với trách nhiệm của từng cấp Công an trong thực hiện công tác này. 

Trong quá trình thu thập thông tin công dân, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều biện pháp kiểm tra, phúc tra thông tin của từng người dân để bảo đảm chính xác 100% thông tin dân cư.

Kết quả Công an các địa phương đã tổ chức, thành lập 6000 lượt kiểm tra, phúc tra thông tin dân cư tại địa phương; đồng thời C06 đã phối hợp các Cục nghiệp vụ trực tiếp đi phúc tra, kiểm tra lại kết quả của công an các địa phương với hơn 200 lượt phục vụ việc làm sạch dữ liệu thông tin dân cư.

Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát, cập nhật trên 92.000 trường hợp thôi quốc tịch; gần 5 triệu trường hợp thay đổi thông tin trong hộ tịch để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, cấp số định danh cá nhân cho gần 6 triệu trẻ em mới sinh từ ngày 1.1.2016.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp cá nhân là người gốc Việt Nam là người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam chưa được thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo Bộ Công an, với hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia; tiến hành cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ.

Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động như:

Kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ để xác thực số định danh cá nhân, Căn cước công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân;

Kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực thông tin công dân; kết nối với Bộ Tư pháp để thực hiện cấp, hủy số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh;

Kết nối với Bộ Y tế để phục vụ rà soát thông tin tiêm chủng của công dân, phòng chống dịch COVID-19; kết nối, xác thực với Tập đoàn điện lực Việt Nam phục vụ nghiệp vụ ngành điện; kết nối, xác thực với Ban cơ yếu Chính phủ phục vụ rà soát thông tin cán bộ Cơ yếu;

Kết nối với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính để xác thực thông tin công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân phục vụ làm sạch dữ liệu ngành thuế, nghiệp vụ ngành thuế.

Thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực thông tin công dân tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân thông qua trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn