MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: QH

Xăng giả khiến ô tô, xe máy đang đi trên đường tự nhiên bốc cháy

Phạm Đông LDO | 16/03/2022 13:23

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tình hình buôn lậu, đầu cơ xăng dầu ở biên giới diễn biến rất phức tạp. Đã xảy ra tình trạng sản xuất xăng giả dẫn đến tình trạng ô tô, xe máy đổ xăng này, đang đi trên đường tự nhiên bốc cháy.

Bóc gỡ nhiều đường dây từ vụ buôn lậu

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 16.3, Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian gần đây hoạt động buôn lậu hàng hóa, hàng cấm, hàng giả không chỉ ra tăng trên không gian mạng mà còn trên mọi mặt, đặc biệt là các loại thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch, xảy ra ở quy mô lớn, tại nhiều địa phương.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu ra tình hình buôn lậu, đầu cơ xăng dầu ở biên giới diễn biến rất phức tạp. Bộ Công an đã nỗ lực ngăn chặn và bóc gỡ nhiều đường dây từ vụ buôn lậu ở Đồng Tháp, Sóc Trăng và Đồng Nai, các vụ này gây thiệt hại lớn cho nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu xăng dầu chính thức.

"Có cả việc sản xuất xăng giả, dẫn đến tình trạng ô tô, xe máy đổ xăng này, đang đi trên đường tự nhiên bốc cháy. Do đó vừa rồi chúng tôi cũng giải quyết, tháo gỡ căn bản được các vụ, điển hình nhất là vụ triệt phá đường dây ở Đồng Nai", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Làm rõ thêm về đại án buôn lậu xăng dầu ở Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra giai đoạn 1 để chuẩn bị đưa ra xét xử và tiếp tục mở rộng giai đoạn 2.

Trong giai đoạn 1 đã bắt, xử lý 100 bị can và phối hợp xử lý một số cán bộ trong quân đội, ngành hải quan. Trong đó 99 bị can về tội buôn lậu, 1 bị can về tội nhận hối lộ.

Cơ quan chức năng đã tạm giữ 2,5 triệu lít xăng, kê biên tạm giữ 16 tàu thủy và nhiều phương tiện khác; tạm giữ tiền mặt là 212 tỉ đồng, gần 300.000 USD và phong tỏa 30 tài khoản với số tiền gần 100 tỉ đồng cùng nhiều tài sản nhà đất có giá trị khác.

Sau đó Đại tướng Tô Lâm nêu một số biện pháp đấu tranh, phòng ngừa như sau:

Phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai nhiều các giải pháp như tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các vi phạm, tội phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và hàng vật tư, trang thiết bị y tế.

Huy động tối đa các lực lượng để tăng cường cho các cơ sở; xác định rõ những địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm cầm đầu các đường dây buôn lậu sản xuất kinh doanh hàng cấm, hàng giả để tập trung đấu tranh.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như quản lý thị trường, hải quan để tiến hành thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận, xử lý tố giác tội phạm, kiến nghị, khởi tố để điều tra nhanh các buôn lậu gian lận thương mại, hàng hóa sản xuất kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Ngăn chặn hàng nhập lậu thâm nhập nội địa

Về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn các thiết bị y tế, phòng chống dịch, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, trong thời điểm nhu cầu tăng cao đột biến đã xảy ra tình này.

Ngay sau khi phát hiện, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường - đơn vị chủ lực trong giám sát, thanh kiểm tra, kiểm soát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Lực lượng quản lý thị trường đã ban hành công điện từ đầu tháng 3 tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát, thu giữ và xử phạt.

Kết quả là trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ được 500 nghìn bộ kit thử nghiệm tại các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế... Cùng với đó, hàng vạn sản phẩm thuốc tân dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc… với giá trị hàng chục tỷ đồng cũng đã bị phát hiện. Đây cũng là đợt ra quân và xử phạt vi phạm lớn nhất từ đầu năm.

Thời gian tới, ngành công thương cùng các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, trong đó có vật tư y tế vào thị trường nội địa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn