MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Lê Trung Kiên – Giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: T.V

Xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị: Gắn trách nhiệm của cán bộ chống tham nhũng, không thể thoái thác, trì trệ

VƯƠNG TRẦN LDO | 14/05/2022 07:43

Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trước Đảng, trước Trung ương. Nhất là thể hiện năng lực cầm quyền của địa phương trong việc nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cũng như thể hiện năng lực giám sát, xử lý dứt điểm các vụ việc, không để tồn đọng, không để lách luật, không gây bức xúc trong dư luận địa phương.

Cán bộ chống tham nhũng phải liêm chính, trong sạch

Tại Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII vừa diễn ra, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 3, Quốc hội khoá XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tinh thần của Trung ương, của Bộ Chính trị là quyết tâm làm và phải làm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thống nhất rất cao về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo).

Tổng Bí thư cũng lưu ý những vấn đề như hướng dẫn, quy chế làm việc và tổ chức nhân sự để Ban chỉ đạo phát huy hiệu quả.

“Cán bộ vào Ban Chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đồng tình với việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, TS Lê Trung Kiên - Giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc này nhằm mục đích khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải được tiến hành thống nhất, toàn diện, bài bản, đồng bộ, có chiều sâu và sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài bởi vì trong tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền các cấp không tránh khỏi có những “con sâu làm rầu nồi canh”, thoái hóa, biến chất, hoặc như Bác Hồ đã nói “tham nhũng là thứ “giặc nội xâm, “giặc trong lòng” trỗi dậy trong bất cứ ai. Đó là một thứ “vi trùng độc hại” sẽ đục cho mục ruỗng “cơ thể” Đảng và chính quyền các cấp.

TS Lê Trung Kiên cho rằng, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trước Đảng, trước Trung ương, nhất là thể hiện năng lực cầm quyền của địa phương trong việc nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra cũng như thể hiện năng lực giám sát, xử lý dứt điểm các vụ việc, không để tồn đọng, không để lách luật, không gây bức xúc trong dư luận địa phương.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá, lựa chọn kỹ lưỡng thành viên, nhân sự Ban Chỉ đạo, TS Lê Trung Kiên cho biết, cán bộ là gốc của mọi công việc. Nếu cán bộ không xứng đáng thì cần phải có phương thức thay thế, xử lý… để tạo ra đội ngũ dám quyết đoán, dám làm, lãnh đạo và quản lý hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm cho bộ máy trong sạch, vững mạnh. 

Từ một số Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy vi phạm thời gian qua, TS Lê Trung Kiên cho hay, cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý, lựa chọn, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ, nhất là người đứng đầu địa phương phải có tâm, có tầm, thực sự vì dân, vì nước, có lòng tự trọng và tính liêm sỉ.

“Thành viên Ban chỉ đạo thông thường là những người làm công tác kiêm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là gắn trách nhiệm đối với từng cán bộ trong Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát, triển khai thực hiện chức trách chứ không thể thoái thác, trì trệ, “ngồi vào cho có ban bệ” hay biểu hiện “trên nóng, dưới lạnh” - TS Lê Trung Kiên nhấn mạnh.

Người đứng đầu không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý

Ông Lại Xuân Môn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - thông tin, Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương thành lập và ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ do Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ làm Trưởng ban; làm việc theo chương trình hằng năm, họp thường kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất khi cần; khi cần thiết, tổ chức hội nghị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ. Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp đột xuất khi cần.

Trước đó, tại họp báo thông tin cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương - cho hay, với mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh, dự kiến do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn