MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ giúp quản lý "cơn sốt" nhân tài

Vương Trần LDO | 24/08/2023 17:19

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân tài Việt Nam; thiết lập, phát triển mạng lưới Nhân tài Việt Nam toàn cầu, các giải pháp cải thiện chỉ số của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu...

Đây là một trong các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ trong Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định số 899/QĐ-TTg nêu rõ trách nhiệm thực hiện, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân tài Việt Nam năm 2025.

Thiết lập, phát triển mạng lưới Nhân tài Việt Nam toàn cầu; xây dựng, quản lý Trang thông tin điện tử “Thu hút, trọng dụng nhân tài ở Việt Nam” trong năm 2024.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân tài Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa lớn đối với quốc gia.

Việc xây dựng được cơ sở dữ liệu này sẽ giúp việc quản lý nhân tài được hiệu quả. Cơ sở dữ liệu này giúp Chính phủ và các tổ chức có khả năng quản lý, theo dõi và tối ưu hóa sử dụng nhân tài trên toàn quốc.

Thông qua việc biết rõ về kỹ năng và chuyên môn của từng cá nhân, các quyết định liên quan đến sự phân công, đào tạo và thăng tiến có thể được đưa ra dựa trên thông tin cụ thể.

Cơ sở dữ liệu cũng giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Qua việc tạo ra một tập hợp thông tin chính xác và đầy đủ về những người có năng lực đặc biệt, việc tìm kiếm và lựa chọn những cá nhân có khả năng xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ dễ dàng hơn. Điều này có thể thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Công cụ để kết nối và hợp tác giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các cá nhân xuất sắc

Cùng trao đổi, TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Uỷ ban Xã hội) - cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân tài cũng giúp tạo môi trường thúc đẩy hợp tác.

Cơ sở dữ liệu này cung cấp một công cụ để kết nối và hợp tác giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau. Điều này có thể tạo ra môi trường thúc đẩy trao đổi kiến thức, phát triển dự án chung và khuyến khích sự phát triển sáng tạo.

Qua cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân tài góp phần vào phát triển bền vững. Thông qua việc tận dụng tài năng và nguồn nhân lực một cách hiệu quả, quốc gia có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và đảm bảo tương lai thịnh vượng.

"Việc này cũng giúp thuận lợi cho quản lý "cơn sốt" nhân tài. Khi "cơn sốt" nhân tài xảy ra (hiện tượng cạnh tranh gay gắt để thuê mướn và giữ chân nhân tài giỏi), cơ sở dữ liệu có thể giúp các tổ chức đánh giá và thu thập thông tin về nhân tài một cách chính xác để đưa ra quyết định" - ông Lợi nói.

Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định: Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...

Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn