MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - là Trưởng ban Chỉ đạo Đề án. Ảnh: TTXVN

Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược: Đồng bộ, công phu, toàn diện

MINH BẰNG LDO | 05/05/2018 08:28
Một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Hội nghị T.Ư 7 - khóa XII (dự kiến khai mạc tại Hà Nội ngày 7.5) đó là “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là vấn đề trọng yếu, khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng thực sự vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; đồng thời, là nhân tố quyết định sự tồn vong của chế độ, sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Với tính chất quan trọng như vậy, Đề án được trình bày, thảo luận tại hội nghị này đã được chuẩn bị một cách thận trọng, công phu, bài bản và toàn diện.

Hướng đến mục tiêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

Đề án do đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - làm Trưởng ban Chỉ đạo. Quá trình xây dựng đề án, Ban Chỉ đạo đã làm việc trực tiếp với 15 cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương; tổ chức 25 hội nghị, hội thảo ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, lấy ý kiến 2 vòng các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương; tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cũng đặt hàng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành điều tra xã hội học về công tác cán bộ…

Theo thông tin từ VOV, qua các hội thảo, hội nghị và báo cáo chuyên đề, Tổ Biên tập đã giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp trên 800 trang tài liệu kèm theo đề án, hết sức công phu. VOV cũng khẳng định: “Hiếm có một đề án nào được chuẩn bị bài bản, thận trọng và công phu như Đề án về công tác cán bộ lần này”.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN.

Về đề án quan trọng này, trên Tạp chí Cộng Sản, PGS-TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản - cũng đã có bài viết khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng. Vì vậy, chăm lo xây dựng cán bộ cấp chiến lược phải được xem là trọng tâm trong công tác cán bộ. Muốn vậy, cần phải nhận diện được các đặc điểm, phát hiện các mâu thuẫn và đề xuất phương thức giải quyết mâu thuẫn, tìm động lực cho cán bộ cấp chiến lược phát triển, xứng đáng với vị thế, trách nhiệm trong toàn bộ sự nghiệp 
đổi mới”.

PGS-TS Đoàn Minh Huấn nhận định: “Vai trò của cán bộ cấp chiến lược do vị trí, vị thế, trách nhiệm của nó quy định. Cán bộ cấp chiến lược tạo thành bộ phận thuộc cơ cấu nhân sự thượng đỉnh của tổ chức, có chức năng hoạch định các quyết sách chiến lược cho toàn Đảng, toàn dân tộc; lập trình kế hoạch chiến lược để tối ưu hóa khả năng thực thi các quyết sách chiến lược; thu nhận, phân tích, xử lý, tổng hợp hóa các thông tin phản hồi từ đối tượng lãnh đạo - quản lý để hiệu chỉnh, thay đổi các quyết sách chính trị. Cán bộ chiến lược là bộ phận làm thành trụ cột, thống lĩnh toàn bộ đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị và đất nước, có tính đại diện cho thể chế cầm quyền…

Là bộ phận thượng đỉnh của tháp nhân sự, thường có khoảng cách với quần chúng, với thực tế ở cơ sở, chủ yếu là lãnh đạo - quản lý gián tiếp thông qua trung gian, nên cán bộ cấp chiến lược phải có phương pháp, công cụ, cách thức lãnh đạo tương ứng mới thường xuyên duy trì được quan hệ với đời sống thực tế ở cơ sở, với quần chúng, hạn chế tình trạng quan liêu hóa.

Nắm quyền hành lớn trong phân bổ các nguồn lực và phúc lợi, nếu cán bộ cấp chiến lược liêm chính, công tâm, khách quan sẽ tạo nên khả năng phát triển; còn nếu cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, lợi ích nhóm, thì sẽ làm cho việc phân bổ nguồn lực và phúc lợi trở nên méo mó, sai lệch, kém hiệu quả, lãng phí, gây nên tham nhũng từ quyền lực, nên phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu dụng và có chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt tương ứng với đóng góp của họ”.

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - chủ trì một hội nghị về công tác cán bộ. Ảnh: TTXVN

Xây dựng lực lượng cán bộ chiến lược phải gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ

Bàn về “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, tại Hội nghị ngành Xây dựng hồi đầu năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đề án này phải kế thừa, bổ sung, đổi mới và phát triển trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ; thể chế hoá, cụ thể hoá Cương lĩnh năm 2011, Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng. Tinh thần là chuẩn hoá và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực”. Đồng thời Tổng Bí thư cũng đưa ra yêu cầu: “Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp”.

Đề án xác định đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là các chức danh cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm: Các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trưởng, phó cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương; bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đánh giá, nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới hết sức nặng nề. Tuy nhiên, với quá trình chuẩn bị khoa học, công phu, kỹ lưỡng, toàn diện, Đề án sẽ tiếp tục củng cố niềm tin cán bộ đảng viên, nhân dân tin tưởng vào sự nỗ lực, cố gắng vươn lên công tác tổ chức, xây dựng Đảng hiện nay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn