MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Phạm Hùng

Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội ở phía Bắc và phía Tây

Phạm Đông LDO | 18/05/2022 11:41

Hà Nội sẽ hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); cùng nhiều huyện phát triển thành quận.

Phát triển các tuyến đường có tính kết nối đô thị vệ tinh

Sáng 18.5, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau hơn 10 năm phát triển, Hà Nội đã và đang giữ vai trò là một trung tâm quan trọng nhất của cả nước, có sức hút và tác động phát triển động phát triển rộng lớn đối với quốc gia và khu vực bắc bộ. Tập trung phát triển đô thị, tạo ra hệ thống hạ tầng khung về giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.

Hà Nội đã cơ bản phủ kín toàn bộ hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm đô thị.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ rõ tốc độ đô thị hóa chưa cao, chỉ đạt 49,3% (chỉ tiêu từ 58-60%); chưa xác định rõ vai trò trung tâm trong khu vực vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ và vùng Thủ đô.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, ông Tuấn cho biết thành phố sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi bổ sung cơ bản toàn diện Luật Thủ đô nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền cho thành phố trong việc xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đầu tư xây dựng triển khai công tác chương trình trọng điểm có kế hoạch. Cụ thể như tổ chức lập, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội gắn với chương trình phát triển đô thị thành phố.

Tập trung nguồn lực phát triển nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể hiện đại. Phát triển các tuyến đường có tính kết nối các đô thị vệ tinh và kết nối nội vùng với liên vùng như: xây dựng, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện các tuyến xuyên tâm vành đai, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5...

Đồng thời xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng. Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung sớm đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Thành phố coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển, giảm áp lực hệ thống hạ tầng giao thông hiện trạng...

Xây dựng sân bay quốc tế tại khu vực phía Nam

Hà Nội sẽ hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển thành phố thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc như Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn - đảm bảo kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và thành phố tại khu vực phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc để hình thành động lực phát triển kinh tế vùng.

Ngoài ra, Hà Nội tập trung phát triển các huyện lên quận. Phấn đấu đến 2025 có từ 3-5 huyện phát triển thành quận, đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận. Thành phố cũng nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài.

Đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống; nghiên cứu mở rộng nâng cấp sân bay Nội Bài và xây dựng thêm một sân bay quốc tế dự kiến tại khu vực phía Nam Thủ đô.

Cũng tại hội nghị, ông Tuấn đã nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất của thành phố Hà Nội với Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, các bộ ngành. Trong đó đề xuất chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch 2017. Từ đó làm cơ sở để UBND TP.Hà Nội tổ chức triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo quy định.

Đồng thời, xem xét thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn hóa một bản quy hoạch cấp tỉnh để tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực. Đến nay Hà Nội đang song song triển khai tích hợp hai quy hoạch là Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cùng thời kỳ đến 2030, tầm nhìn 2050.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn