MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày chuyên đề tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 28.3. Ảnh: TTXVN

Xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động

Phạm Đông - Hải Nguyễn LDO | 29/03/2021 09:49
Ngày 28.3, trình bày chuyên đề với chủ đề “Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025”, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương phải chú trọng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nút thắt với phương châm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian qua, nước ta đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Góp phần quan trọng tô đậm thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao khi bình quân 10 năm 2011 - 2020 đạt 5,59%/năm. Năm 2020 mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn đạt 2,91%, là điểm sáng trên toàn cầu trong thực hiện thành công mục tiêu kép. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được tăng lên rõ rệt. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.

Phát huy những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước những khó khăn thách thức cả trên thế giới và trong nước, chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm. Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm.

Đồng thời phải phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa. Từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới. Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao…

Thủ tướng tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao, nếu không có biện pháp để tăng trưởng cao thì sẽ tụt hậu, không phát triển bền vững, nghèo, thu nhập thấp, lạc hậu. Do đó, nước ta phải đi trước đón đầu, quyết tâm chính trị cao, ý chí dân tộc và khát vọng phát triển trong mọi người dân, cơ sở trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu. Cho nên, tăng trưởng cao liên tục trong mấy thập kỷ là điều cần thiết. Năm nay, chúng ta phấn đấu 6-6,5%, sang năm có thể 7%, nhưng sắp tới phải 8-9% bình quân.

3 nội hàm mới trong các đột phá chiến lược

Nêu rõ những nội hàm mới trong các đột phá chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đột phá thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chất lượng thể chế, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Trong đó trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học, công nghệ. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất và phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Đột phá thứ hai là, tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị, văn hóa, con người Việt Nam. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong các cấp học, đào tạo. Đào tạo con người theo hướng vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội. Đức và tài cần phải đi liền với nhau. “Đây là một khâu yếu của nước ta, cần có văn bản pháp quy vấn đề này, đừng để nhân tài bỏ đi hết. Tỉnh, thành nào cũng có, sử dụng tốt nhân tài” - Thủ tướng nói và đề nghị phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đột phá thứ ba mà Thủ tướng nhắc đến là việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhắc lại vấn đề cải cách tiền lương cần sớm được thực hiện.

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Theo đó, Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo quy định trong phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời phải tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ hiệu quả. Chú trọng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nút thắt với phương châm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Quy định rõ trách nhiệm cụ thể đối với cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu.

đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi tổ chức Đảng

Phát biểu bế mạc “Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (ảnh) cho biết, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII và đưa Nghị quyết vào cuộc sống là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, của mỗi tổ chức Đảng.Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, phải tập trung coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và hết tháng 6 này, các cấp phải hoàn thành việc học tập, quán triệt Nghị quyết. Với nhận thức phải toàn diện nhưng đồng thời phải chuyên sâu trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Nội dung và hình thức học tập, tuyên truyền phải phù hợp với các đối tượng sau cho thiết thực, hiệu quả. Cũng theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi với đông đảo quần chúng và nhân dân trong nước kiều bào ở nước ngoài những nội dung cơ bản của các văn kiện Đại hội XIII.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn