MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Đàm Duy

Xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh

HUYÊN NGUYỄN LDO | 12/12/2018 12:29

Ngày 12.12, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII chính thức khai mạc với chủ đề “Dân chủ-Đoàn kết-Đổi mới-Hội nhập-Phát triển”.

Dự đại hội có đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Nước; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư; đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

Nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế quốc dân vượt qua suy thoái

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của giai cấp nông dân và hoạt động của các cấp Hội Nông dân trong cả nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Thời gian qua, mặc dù ngành nông nghiệp nước ta phải đối diện với nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nông sản thế giới, nhất là xu thế bảo hộ mậu dịch, nhưng giai cấp nông dân nước ta đã từng bước vượt qua, làm nên những kì tích mới. Nông nghiệp nước ta vẫn phát triển ổn định, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao. Nông nghiệp trở thành trụ đỡ để nền kinh tế quốc dân vượt qua suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn đã tăng từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên 130 triệu đồng năm 2017, góp phần quan trọng vào xoá đói giảm nghèo”...

Bên cạnh những thành tích, tiến bộ, công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ qua cũng còn những hạn chế, bất cập như nội dung, phương thức hoạt động của Hội vẫn chậm được đổi mới, còn hạn chế trong công tác xây dựng chính sách, giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ Hội thiếu sâu sát, công tác tuyên truyền, vận động nông dân còn yếu, phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều...

Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn lúng túng; còn chậm. Tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được khắc phục. Đời sống của một bộ phận nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn khó khăn; tình trạng nông dân bỏ ruộng, không muốn làm nông nghiệp, rời bỏ nông thôn, thiếu hợp tác trong sản xuất, liên doanh, liên kết còn là những vấn đề rất đáng quan ngại. Ở đây có trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân.

Giúp nông dân làm giàu và xoá nghèo bền vững

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Ngày 12.12, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII chính thức khai mạc. 

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới, phát triển bền vững, hiện đại nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước yêu cầu các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.

Mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả. Để từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước mong muốn các cấp hội tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học - công nghệ và những cơ hội, thách thức của quá trình toàn cầu hoá, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của biến đổi khí hậu, giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện để phát triển kinh tế, làm giàu và xoá nghèo bền vững.

Tập trung tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò chủ thể của giai cấp nông dân, về Đảng, về tổ chức Hội; phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, tương thân, tương ái, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật... Có như vậy, nông dân nước ta mới thực sự làm chủ được quá trình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết của Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn so với giai đoạn trước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Đại hội diễn ra trong 3 ngày từ 11-13.12.2018 với 999 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân trên cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn