MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Xây dựng Quốc hội điện tử, phát triển cho mỗi đại biểu Quốc hội 1 trợ lý ảo

PHẠM ĐÔNG LDO | 29/03/2023 21:23

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng tham gia xây dựng Quốc hội điện tử, nhất là phần mềm AI để phát hiện mâu thuẫn thể chế giữa các luật, giữa luật với các văn bản dưới luật; phát triển cho mỗi đại biểu Quốc hội 1 trợ lý ảo.

Chiều 29.3, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về tổng quan hoạt động của ngành thông tin truyền thông giai đoạn 2021-2022, định hướng phát triển giai đoạn 2023-2025; kết quả chuyển đổi số của Việt Nam; tình hình triển khai xây dựng các dự án luật do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo và một số nội dung chuẩn bị cho hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Dự buổi làm việc có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng...

Theo TTXVN, năm 2022, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông đạt 3.893.595 tỉ đồng; nộp ngân sách 98.982 tỉ đồng; lao động toàn ngành đạt 1.510.027 người.

Trong nhiệm kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số.

Thời gian tới, Bộ dự kiến sẽ chủ trì xây dựng các dự án sửa đổi Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Bưu chính; xây dựng dự án Luật Chính phủ số.

Theo báo cáo kết quả chuyển đổi số của Việt Nam, chuyển đổi số ở Việt Nam gồm 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Về chính phủ số, Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia về Chính phủ số, Chính phủ điện tử; xếp thứ 76/193 quốc gia về dịch vụ công trực tuyến; xếp thứ 87/193 quốc gia về dữ liệu mở; Chỉ số Chính phủ số thuộc nhóm quốc gia ở mức cao (0,6787). Việt Nam xếp hạng 25/193 quốc gia về an toàn, an ninh mạng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam theo số liệu ước tính năm 2021 của Google Temasek tăng 28%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

1.400 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ nước ngoài, tăng 20%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chuyển đổi số là một trong ba nội dung xuyên suốt chủ đề chung của hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (dự kiến diễn ra vào tháng 9.2023, do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức). Đây là một trong ba phiên thảo luận chuyên đề có sự tham gia, phối hợp chuẩn bị nội dung ngay từ đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những thông điệp quan trọng cần lan tỏa tại hội nghị, đó là “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”; “Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công cuộc chuyển đổi số, tất cả các quốc gia đều có thể phải quay về điểm xuất phát”;...

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN

Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, chuyển đổi số tạo cơ hội để giải quyết các bài toán lớn kéo dài, các bài toán thiên niên kỷ của Việt Nam, tạo ra cơ hội để giải quyết 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chuyển đổi số cũng tạo cơ hội cho đổi mới sáng tạo.

Báo chí xuất bản và truyền thông đang dần hội tụ thành truyền thông số. Sứ mệnh là xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, tạo dựng sức mạnh tinh thần để phát triển đất nước.

Bộ sẽ tổ chức triển khai thực hiện xây dựng và hoạch định thể chế số, mở đường cho chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi số trở thành một phương thức phát triển mới có tính đột phá giúp đẩy nhanh và rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết chuẩn bị tốt nhất các nội dung liên quan đến chuyển đổi số tại hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu; phối hợp tổ chức công tác thông tin và tuyên truyền về hội nghị với tinh thần hội nghị là sự kiện đối ngoại đa phương, trọng tâm của đối ngoại Quốc hội trong năm 2023.

Bộ cũng cam kết về chất lượng và thời gian đối với các dự án luật do bộ chủ trì soạn thảo, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội. Chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng tham gia xây dựng Quốc hội điện tử, nhất là phần mềm AI để phát hiện mâu thuẫn thể chế giữa các luật, giữa luật với các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, nhất là khi ban hành luật mới có mâu thuẫn với các luật hiện hành hay không; phát triển cho mỗi đại biểu Quốc hội 1 trợ lý ảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn