MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Xem xét dự thảo nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

PHẠM ĐÔNG LDO | 10/05/2023 17:49

Tiếp tục phiên họp thứ 23, chiều 10.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2030, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm và cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả.

Đồng thời bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Dự thảo nghị quyết gồm 4 chương, 26 điều. Để nâng cao chất lượng của đơn vị hành chính đô thị, góp phần khắc phục bất cập, hạn chế trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, dự thảo nghị quyết quy định một điều riêng về sắp xếp đơn vị hành chính đô thị, trong đó quy định cụ thể các trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính đô thị. 

Để bảo đảm chất lượng của đơn vị hành chính đô thị và khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính gắn với mở rộng không gian phát triển đô thị, dự thảo Nghị quyết quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị trong từng giai đoạn sắp xếp.

Trong mỗi giai đoạn, tùy từng trường hợp mà xem xét điều kiện về sự phù hợp với quy hoạch và các tiêu chí về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị cho phù hợp.

Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo nghị quyết quy định về nguyên tắc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì các đơn vị hành chính phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Tuy nhiên, thực tiễn có trường hợp vì các điều kiện khách quan mà đơn vị hành chính sau sắp xếp không bảo đảm các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Để bảo đảm tính khả thi, hạn chế tình trạng các địa phương đề xuất thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030 một cách hình thức, không bảo đảm tiêu chuẩn của đơn vị hành chính sau sắp xếp dẫn đến không đạt được mục tiêu đề ra tại Kết luận số 48-KL/TW, dự thảo Nghị quyết quy định chặt chẽ tiêu chuẩn của đơn vị hành chính sau sắp xếp. Trong đó có tính đến yếu tố đặc thù của các địa bàn có quy mô dân số lớn trong khi diện tích tự nhiên nhỏ. 

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Dự thảo nghị quyết quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, gửi lấy ý kiến Bộ Nội vụ, làm cơ sở để xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở địa phương.

Riêng các trường hợp đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp nhưng địa phương không tiến hành sắp xếp hoặc đơn vị hành chính dự kiến sắp xếp nhưng không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì phải báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi địa phương xây dựng đề án... 

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc hệ trọng, liên quan đến tổ chức bộ máy, thành lập, sáp nhật ở cấp xã, cấp huyện. Cần có văn bản báo cáo Đảng Đoàn Quốc hội để có thể xin ý kiến Bộ Chính trị nếu cần thiết.

Về dự thảo nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là vấn đề phức tạp với nhiều luồng ý kiến khác nhau, nên để chuẩn bị cho kỹ, cho chắc, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát thêm để đảm bảo chất lượng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn