MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển/VPQH

Xét xử nghiêm minh các vụ án lớn về tham nhũng được nhân dân đánh giá cao

PHẠM ĐÔNG LDO | 19/08/2023 19:12

Ngày 19.8, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp của lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Ban hành nhiều án lệ để khắc phục những khoảng trống của pháp luật

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã cụ thể hoá các nguyên tắc Hiến định về vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân là "cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp".

Qua hơn 8 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, hệ thống Tòa án đã được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động; đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường.

Mỗi năm, các Tòa án đã xét xử, giải quyết hàng trăm nghìn vụ án, vụ việc các loại. Đặc biệt, Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án lớn, được đông đảo dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Cùng với đó, nguyên tắc tranh tụng được chú trọng. Chất lượng xét xử được bảo đảm, tỉ lệ bản án, quyết định phải hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án ngày càng giảm.

Việc phát triển án lệ được quan tâm, đẩy mạnh, đến nay đã lựa chọn và ban hành nhiều án lệ để khắc phục những khoảng trống của pháp luật và vận hành hiệu quả trang thông tin điện tử án lệ.

Ngành tòa án cũng đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ cải cách tư pháp được giao; tích cực tham gia xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Việc xây dựng Tòa án điện tử được quan tâm, trong đó hiện đã có hơn 1 triệu bản án được công khai trên mạng.

Ghi nhận hoạt động của Tòa án nhân dân đã góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội phát triển, Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí đánh giá của các đại biểu về những khó khăn, bất cập về tổ chức, hoạt động của tòa án nhân dân trong thời gian qua, đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi Luật hiện hành.

Nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức tòa án nhân dân trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Tòa án nhân dân tối cao cần quán triệt sâu sắc, bám sát các chủ trương lớn của Đảng ta về cải cách tư pháp, trước hết là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 của Trung ương.

Đồng thời phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp năm 2013 để tiếp tục rà soát và cụ thể hóa trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao. Ảnh: Lâm Hiển

Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm, tranh tụng là đột phá

Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định "quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Do đó, việc "thiết kế" tổ chức, bộ máy của Tòa án nhân dân trong dự luật sửa đổi lần này như thế nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc hiến định nêu trên.

"Đây là vấn đề quan trọng nhất, phải "nằm lòng" khi chúng ta xây dựng, sửa đổi Luật Tổ chức tòa án nhân dân cũng như các dự luật liên quan đến cải cách hành chính, cải cách tư pháp", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong đó, Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là đột phá.

Dự thảo Luật vừa phải cụ thể hóa được các nguyên tắc đặc thù trong tổ chức, hoạt động của tòa án, nhất là nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, vừa phải bảo đảm nguyên tắc Hiến định về "quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn