MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐB Dương Trung Quốc băn khoăn, nếu nhân viên ngành y ra tòa, Bộ trưởng Y tế phải lên tiếng bảo vệ thì người của Bộ ngành nào ra tòa, lãnh đạo cũng phải ầm ầm đứng lên bảo vệ?

Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Cứ nhân viên ngành Y ra tòa thì Bộ trưởng phải lên tiếng?

Lê Phương LDO | 31/05/2018 12:58

Xung quanh phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương liên quan đến sự cố y khoa khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, nhiều ý kiến thắc mắc việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào từ khi tòa xử.

Tại hội trường, khi có đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận về diễn biến phiên tòa, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nói về vụ việc, dù có mặt tại Hội trường nhưng Bộ trưởng Tiến không có ý kiến gì.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, hiện nay phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương đang trong quá trình nghị án, chưa có phán quyết cuối cùng nên Bộ trưởng Bộ Y tế không nhất thiết phải nói về vụ án này.

"Tôi cho rằng, không phải cái gì, việc gì Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cứ phải nói, phải nhúng vào mà quan trọng cuối cùng cần có biện pháp để không lặp lại sự cố y khoa nghiêm trọng đến như vậy. Muốn không lặp lại sự cố cần xây dựng hệ thống quy trình, quy chế đầy đủ và giáo dục tinh thần trách nhiệm của nhân viên ngành y", ông Quốc nói.

Ông Quốc không đồng tình với một số ý kiến cho rằng Bộ trưởng Bộ Y tế phải đứng lên bảo vệ nhân viên của ngành như bác sĩ Hoàng Công Lương, khi vụ án đang được các cơ quan tố tụng, bảo vệ pháp luật xét xử.

"Nếu nói nhân viên ngành y ra tòa, Bộ trưởng Y tế phải lên tiếng bảo vệ thì như vậy bất cứ người của Bộ ngành nào ra tòa, lãnh đạo cũng ầm ầm đứng lên bảo vệ hay sao? Chúng ta đã giao cho tòa thì cần phải tôn trọng tính độc lập, không để HĐXX chịu sức ép nào và để cơ quan này phân xử, qua đây rút kinh nghiệm, điều chỉnh tất cả về các mặt pháp lý, điều hành", ông Quốc nêu.

Vị ĐBQH này cho hay, việc các ĐBQH lên tiếng, bảo vệ đối tượng nào là quyền được pháp luật cho phép, nhưng ngành tòa án rất cần sự khách quan, độc lập, không tạo áp lực cho HĐXX. "Đây mới chỉ là phiên tòa đầu tiên chứ chưa phải sau cùng. Nếu tòa sơ thẩm xét xử chưa đúng, dư luận có quyền lên tiếng và người liên quan còn quyền kháng cáo. HĐXX sẽ phải chịu trách nhiệm về đúng sai đối với bản án mình tuyên trước dư luận xã hội. Chúng ta hãy chờ vào phán quyết cuối cùng của tòa án", ông Quốc chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn