MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Xoá" 4.700 ha rừng Gia Lai: Thận trọng để tránh hậu quả khôn lường

Nhóm PV LDO | 14/06/2022 13:51

Liên quan tới việc chuyển đổi 4.700 ha rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải khảo sát, đánh giá rất kỹ tác động tới dân sinh, đời sống nhân dân và cân nhắc với sự biến đổi khí hậu trong bối cảnh tài nguyên rừng Tây Nguyên đang ngày càng bị suy giảm.

Xóa 4.700 ha rừng phải đánh giá rất kỹ, rất thận trọng

Như Lao Động đã đưa tin, tỉnh Gia Lai đang đối diện với sự lựa chọn nan giải, đó là việc phá hay giữ hơn 4.700 ha rừng tái sinh, để mở rộng vùng tưới, tận dụng công suất thiết kế của hồ thuỷ lợi la Mơr, huyện Chư Prông, có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng.

Dự kiến xóa trắng hơn 4.700 ha rừng tái sinh để đáp ứng hiệu quả tưới cho công trình thủy lợi Ia Mơr nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với PV Lao Động, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc chuyển đổi 4.700 ha đất có rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, nhằm có vùng tưới nước cho hồ thủy lợi Ia Mơr cần phải được đánh giá và phân tích rất kỹ.

Đại biểu Hoà đặt một loạt câu hỏi: Nếu giải phóng toàn bộ diện tích rừng trên thì kế hoạch trồng rừng mới ở đâu, như thế nào? Nguồn kinh phí, thời gian để trồng được diện tích rừng như trên thế nào? 

Ông cho rằng, để trồng được 4.700 ha rừng tái sinh đòi hỏi cần có một thời gian rất dài. Đó là một diện tích rừng lớn, liên quan tới sinh kế của người dân, môi trường sống… 

“Chuyển 4.700 ha rừng tái sinh để mở rộng vùng tưới tiêu phải cân, đong, đo, đếm, cân nhắc rất kỹ để xem cái nào hiệu quả hơn. Việc này phải được đánh giá tác động và lấy ý kiến của người dân trong vùng dự án” - đại biểu Hoà nói và cho rằng các phương án tính toán “được - hơn”, các giả thiết liên quan tới việc này phải được thuyết minh rất kỹ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

Vị Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, “xoá 4.700 ha rừng” để mở rộng vùng tưới tiêu của hồ thuỷ lợi la Mơr cần phải cân nhắc rất thận trọng, rất kỹ về những nguy cơ có thể xảy ra. Nếu đánh giá không kỹ có thể dẫn tới những hậu quả khó lường. 

Đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng rằng, “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế đơn thuần”. Do vậy, trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng 4.700 ha rừng tái sinh ở Gia Lai, cần phải đánh giá kỹ lưỡng. Việc này có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt, cuộc sống của người dân nơi đó.

“Tôi muốn nói rằng, ngoài đánh giá tác động môi trường, cần đánh giá toàn diện các khía cạnh, cái nào lợi, cái nào hại và mức độ người dân đồng ý như thế nào. Nếu người dân trong vùng dự án không đồng ý thì không nên chuyển đổi mục đích sử dụng” - đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Dự báo không chính xác sẽ dẫn tới hậu quả không thể khắc phục được

Cùng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng: Vấn đề tài nguyên rừng và môi trường không phải bây giờ mới đặt ra mà đây cũng là vấn đề từng được các đại biểu Quốc hội phát biểu “rất nóng” trong nghị trường. 

Theo đại biểu Nga, vấn đề môi trường, tài nguyên thiên nhiên, rừng ở Tây Nguyên là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. Do vậy phải rất thận trọng trong việc quyết định các chủ trương, dự án có liên quan đến việc lấy đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Về việc chuyển đổi 4.700 ha rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, đại biểu Việt Nga cho rằng, đây là một diện tích lớn. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng như vậy chắc chắn tác động không nhỏ đến môi trường, đời sống sinh kế người dân. 

“Tôi cho rằng, cần phải đánh giá tác động cần phải làm thật sự công phu, bài bản và trung thực. Vì nếu như chúng ta đánh giá tác động không chính xác, dự báo không chính xác, không toàn diện sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Chúng ta đã tiến hành thực hiện dự án rồi mà nảy sinh các hậu quả thì khi xử lý vô cùng khó khăn, có những hậu quả không thể khắc phục được” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Từ phân tích đó, theo quan điểm của đại biểu Nga, cần phải khảo sát thật kỹ, đánh giá thật kỹ tác động tới dân sinh, đời sống nhân dân và cân nhắc thật kỹ với sự biến đổi khí hậu nhất là trong bối cảnh tài nguyên rừng Tây Nguyên đang ngày càng bị suy giảm. Việc trồng và phát triển lại các diện tích rừng cần một thời gian dài.

“Chính vì vậy, trước khi quyết định những dự án có tầm chiến lược như thế này phải khảo sát đánh giá thật kỹ lưỡng, nhiều chiều, đưa ra nhiều phương án rồi chọn phương án tối ưu.  Khi có báo cáo tác động cần công bố rộng rãi với nhân dân để nhân dân cùng giám sát” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn