MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Cuộc hơn 40 năm mong ngóng con đi bộ đội về. Ảnh: C.N

Xót xa người mẹ U90 hơn 40 năm ngóng tin con trở về từ cuộc chiến chống Mỹ

Cường Ngô LDO | 13/08/2017 06:30
“Sau chiến tranh, mỗi khi thấy ai đi bộ đội, tôi lại cảm tưởng con trở về, song tất thảy đều trở nên vô vọng” - người mẹ gần 90 tuổi bộc bạch như thế với PV, bởi 43 năm qua, kể từ khi con trai bà nhập ngũ, đến nay vẫn “bặt vô âm tín”, không biết còn sống hay đã chết, là tử sĩ hay liệt sĩ?

"Giá họ đưa xác con về với quê hương thì đỡ tội"

Tiết trời Hà Nội mấy ngày này nóng như đổ lửa. Ngay từ sáng sớm, những tia nắng chói chang xuyên qua khung cửa sổ, len lỏi tới từng ngóc ngách trong căn nhà tuềnh toàng nằm cuối đường làng ở cụm 3, thôn Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (Phúc Thọ, Hà Nội).

Đứng lặng trước hiên nhà, bà Nguyễn Thị Cuộc (89 tuổi) lại nhớ về người con trai Lê Văn Quyết nhập ngũ ngày 19.4.1974, đến nay không có tin tức gì. 43 năm đằng đẵng, người mẹ già vẫn ngóng tin con trở về. “Dù con có hy sinh nơi trận mạc thì di cốt của con cũng phải trở về với đất mẹ - bà Cuộc nói như thế.

Theo như chia sẻ, con trai bà là chiến sĩ Lê Văn Quyết (sinh năm 1957), nhập ngũ năm 1974, thuộc đơn vị 04, Tiểu đoàn 181,Trung đoàn 12, đóng quân tại thôn Vĩnh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Khi chiến tranh kết thúc, các đồng đội của chiến sĩ Quyết đều trở về quê hương, đoàn tụ gia đình, nhưng từ đó đến nay, gia đình bà không nhận được tin tức gì của con, không rõ còn sống hay đã chết, là tử sĩ hay liệt sĩ.

Bà Cuộc khóc nghẹn, nhớ thương con trai hơn 40 năm đi bộ đội chưa về. Ảnh: C.N

“Sau năm 1975, mỗi khi thấy ai đi bộ đội, tôi lại cảm tưởng con trở về, song tất thảy đều trở nên vô vọng. Mấy mươi năm nay, tôi đã khóc cạn nước mắt ngóng tin con. Ở cái tuổi gần đất xa trời, mong mỏi duy nhất của tôi là con có thể trở về, dù đó là phần mộ của con đi chăng nữa” – bà Cuộc nói vậy rồi ôm tấm hình của anh Quyết vào lòng.

Bà Cuộc cho biết, nhiều năm nay, bà đi khắp nơi hỏi thông tin từ những người đồng đội của con trai nhưng không ai biết. Một số người trả lời rằng, thời điểm đó chiến tranh ác liệt, chiến sĩ cùng đơn vị hy sinh rất nhiều, đồng đội lạc mất nhau nên tin tức về anh Quyết không ai rõ.

“Cứ mỗi khi có ai đi bộ đội về hay mang quần áo bộ đội đi qua đường là tôi ngóng, tôi hỏi xem thằng Quyết thất lạc đi đâu mà không thấy về, cuối đời được gặp con, tôi chết cũng thỏa”. Khi được Chính phủ trao tặng Bảng Gia đình vẻ vang vì có con đi tòng quân chống Mỹ cứu nước - chiến sĩ Lê Văn Quyết, bà Cuộc nghẹn ngào: “Giá họ đưa xác con về với quê hương thì đỡ tội”.

"Không ai khổ như thằng Quyết"

Trong ký ức người mẹ tóc bạc trắng, hình ảnh người con trai cả hiển hiện là một chàng thanh niên vóc dáng cao to, hiền lành và chịu khó. Thời chiến tranh gian khổ, cậu con trai cả phải ăn cơm sắn, nhường bát cơm độn sắn cho các em. Bà nói: “Từ khi sinh ra đến nay, không ai khổ như thằng Quyết!”.

Vì quá mong mỏi tin tức của con, mấy năm nay, bà Nguyễn Thị Cuộc đã viết đơn gửi các cấp chính quyền hỗ trợ tìm kiếm thông tin con trai bà. Các đơn vị chức năng cũng tích cực rà soát, tìm kiếm thông tin quân nhân Lê Văn Quyết nhưng cũng chưa có kết quả.

Ngày 7.12.2012, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có công văn số 1447/CCT-CS về việc xác minh, trả lời đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Cuộc.

Hiện bà Cuộc ở cùng cô con gái bị bệnh đao bẩm sinh. Ảnh: C.N

Cục Chính trị đã triển khai cho Ban Chỉ huy quân sự huyện Phúc Thọ (Hà Nội) bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ với quân nhân Lê Văn Quyết theo thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7.11.2013 của Bộ Quốc phòng.

Trả lời phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, ông Khuất Duy Cảnh - Ban chỉ huy quân sự huyện Phúc Thọ, cán bộ trực tiếp xác minh hồ sơ chiến sĩ Lê Văn Quyết - cho biết, cuối năm 2016, Cục chính sách (Tổng cục Chính trị) phối hợp với Cục An ninh (Tổng cục An ninh) đã gửi trả hồ sơ của quân nhân Lê Văn Quyết để hoàn thiện bởi bản kê khai sai tên hiệu đơn vị.

“Hiện tại, tất cả hồ sơ của quân nhân Lê Văn Quyết đã gửi lên Phòng chính sách (Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô) để xác minh, xét duyệt. Khi nào có kết quả sẽ trực tiếp trả lời bà Nguyễn Thị Cuộc”, ông Cảnh nói.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn