MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh V.T

Xử cán bộ xong, công trình vi phạm Sóc Sơn vẫn còn nguyên

VƯƠNG TRẦN LDO | 01/12/2018 17:23
Vừa rồi như ở Sóc Sơn, huyện xử lý cả cán bộ, cả hành chính, song công trình vi phạm vẫn còn nguyên - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho ý kiến liên quan tới vụ đất rừng Sóc Sơn bị “xẻ thịt”.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, từ đầu năm 2018 đến nay, số công trình vi phạm đã giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho hay, một số công trình vi phạm tồn đọng từ các năm trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Số công trình vi phạm mới vẫn ở mức cao. Vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, đất rừng vẫn còn phổ biến.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Trung cũng cho rằng, tồn đọng trong xử lý vi phạm xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp có nguyên nhân do pháp luật xây dựng chưa quy định.

“Vi phạm rõ ràng phải xử lý, nhưng lại không có chế tài. Chưa kể đến xây nhà ở nông thôn lại có quy định miễn phép, nên có sự đan xen giữa miễn phép và cấp phép. Chính điều này có liên quan đến việc còn hơn 5% công trình vi phạm xây dựng chưa xử lý được”, ông Trung đặt vấn đề.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Sở Xây dựng ngày 1.12. Ảnh V.T.

Liên quan tới vấn đề này, tại buổi làm việc với Sở Xây dựng ngày 1.12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay, công tác xử lý trật tự xây dựng phải quyết liệt, không được chủ quan, vì bất cứ chủ công trình nào cũng đều muốn lấn ra, đua ra ngoài phạm vi được cấp phép.

Theo Bí thư Hà Nội, nếu chúng ta lờ đi thì họ đua ra nhiều, còn không lờ đi thì họ đua ra ít. Cái khó nhất trong công tác quản lý trật tự xây dựng là xử lý công trình vi phạm. Bởi ngay cả việc thành phố, quận, huyện có xử lý cán bộ buông lỏng quản lý hay xử lý hành chính - xử phạt, thì chủ công trình vẫn cười tươi và tiếp tục vi phạm.

Ông Hoàng Trung Hải lấy ngay ví dụ đến vụ vi phạm xây dựng ở đất rừng Sóc Sơn đang được Thanh tra TP. Hà Nội làm rõ.

“Vừa rồi như ở Sóc Sơn cũng bị như thế. Huyện xử lý cả cán bộ, xử lý cả hành chính, song công trình vẫn còn nguyên. Thế là hôm sau công trình lại nhúc nhắc làm tiếp”, Bí thư Hà Nội nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Công tác quản lý trật tự xây dựng là vấn đề lớn, các cấp của thành phố cần phải rà soát các công trình vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn nếu chúng ta không làm quyết liệt thì cứ xử lý hết năm này qua năm khác cũng không bao giờ hết”.

Theo Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng lớn là do hệ thống pháp luật.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng lấy ví dụ, Nghị định 139/2017 đã giảm thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã khá nhiều, như không được phép cưỡng chế công trình (giờ là thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận/huyện); công trình vi phạm có thời gian 60 ngày để hoàn thiện thủ tục, giấy phép trong thời gian bị đình chỉ, nhưng lực lượng giám sát không có nên rất nhiều trường hợp đã bị đình chỉ thì chủ công trình vẫn cố tình xây...

“Cùng với đó, công tác phát hiện ở địa bàn còn rất yếu, để vi phạm lớn mới xử lý và trở thành rất khó xử lý, mà huyện Sóc Sơn là một ví dụ lớn”- ông Dũng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn