MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐB Nguyễn Hữu Cầu đề xuất tiếp nhận tố cáo những người đã về hưu để ngăn chặn tư duy “chuyến tàu vét”. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Xử lý cả người đã nghỉ hưu

THÀNH HẢI LDO | 24/11/2017 09:00
Chiều 23.11, thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo, một số đại biểu băn khoăn về công tác bảo vệ người tố cáo chưa đầy đủ có thể ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe và sự an toàn của người tố cáo cũng như người thân của họ. Ngoài ra, vấn đề cần thiết phải bổ sung thêm đối tượng người đã nghỉ hưu cũng phải được xem xét xử lý khi có đơn tố cáo.

Bảo vệ cả người thân của người tố cáo

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết quan điểm “đồng tình với quan điểm không xử lý đơn tố cáo nặc danh để tránh trường hợp lợi dụng việc tố cáo nặc danh gây tiếng xấu cho người khác. Tuy nhiên, trong thực tiễn có trường hơp người tố cáo sợ bị trả thù, bị vùi dập, ngại va chạm, “đấu tranh thì tránh đâu”, cho nên người tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ nhưng trong đơn tố cáo có nội dung rõ ràng, cụ thể, kèm nhiều bằng chứng chứng minh các hành vi vi phạm như băng ghi hình, ghi âm, tài liệu… thì người tiếp nhận tố cáo phải báo cáo thủ trưởng xem xét kiểm tra, gặp người tố cáo để tìm hiểu thêm. Nếu đúng như trong đơn tố cáo thì thực hiện theo quy định tố cáo. Như vậy sẽ không để sót hành vi phạm tội” - ĐB Hòa kiến nghị.

Đồng thời, giải pháp để hạn chế việc phải tiếp nhận đơn tố cáo nặc danh, theo ĐB Hòa thì cần làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo. Theo đó, ĐB thống nhất các quy định, trình tự, nội dung bảo vệ như dự thảo luật. “Tuy nhiên, về đối tượng bảo vệ, tôi đề nghị mở rộng thêm đến vợ chồng, con chưa thành niên. Như vậy khi có mở rộng thêm thì nhiều đối tượng thân nhân được bảo vệ, cũng không để lọt người được bảo vệ.” - ĐB Hòa nêu quan điểm.

Phát biểu tổng kết vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: “Việc này Bộ Luật Hình sự đã quy định, dự luật này tập trung bảo vệ tốt người tố cáo và nội dung cần bảo vệ trong khả năng và điều kiện cho phép. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, nhất là xác định trách nhiệm chính và trách nhiệm phối hợp, biện pháp cụ thể hơn để đảm bảo khả thi”.

Vi phạm - nghỉ hưu cũng không thể “hạ cánh an toàn”

Liên quan tới vấn đề bổ sung đối tượng là người đã nghỉ hưu cũng cần phải chịu trách nhiệm nếu có đơn thư tố cáo, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết: “Theo quan điểm của tôi là nên giải quyết vì thực tiễn xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi cán bộ lãnh đạo cận kề thời điểm nghỉ hưu đã không vượt qua được cám dỗ tầm thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Báo chí đã có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng, đó là “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét”, “chuyến tàu cuối cùng” để phản ánh thực trạng đáng buồn đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao pháp luật lại không điều chỉnh?”.

ĐB Phạm Văn Hòa thì nhân định: “Cần bổ sung quy định tố cáo, giải quyết tố cáo, hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ công chức đã nghỉ hưu khi còn công tác, bởi nếu không quy định thì sẽ bỏ sót tội phạm, không thể “hạ cánh là an toàn” - ĐB Hòa kết luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn