MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số cán bộ cấp cao của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị xử lý hình sự (Từ trái qua phải: ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh, ông Trần Trọng Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM). Đồ hoạ: T.V

Xử lý cán bộ cấp cao có sai phạm: "Chặt cành sâu để cứu cả cây"

Vương Trần LDO | 29/08/2020 13:14

Theo ông Lê Như Tiến, việc xử lý cán bộ sai phạm ngày càng được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt.

Ngày 28.8.2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (04 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Như vậy, sau 17 ngày bị tạm đình chỉ công tác, đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã bị khởi tố, bắt tạm giam. 

Trước đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ cao cấp ở các thành phố lớn này cũng có những vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Gần đây là vụ việc Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ TP.HCM Trần Trọng Tuấn cùng nhiều cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam vì vi phạm pháp luật trong công tác.

Trước sự việc có những cán bộ cao cấp tại các thành phố lớn bị xử lý hình sự vì vi phạm pháp luật, trao đổi với Lao Động, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, điều này đang khẳng định việc xử lý sai phạm đang được thực hiện với tinh thần nhất quán: không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Theo ông Tiến, thực tế trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy có rất nhiều vụ xử lý cán bộ cấp cao có sai phạm. Nhiệm kỳ này chúng ta đã xử lý gần 100 cán bộ có sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Kể có những Uỷ viên Bộ Chính trị như Đinh La Thăng có sai phạm cũng đã bị xử lý, nhiều Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương, lãnh đạo các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng… và mới nhất là việc khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung… 

“Điều đó càng khẳng định việc xử lý cán bộ có sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù bất kỳ người đó là ai” - ông Tiến nói và dẫn hình ảnh, việc xử lý cán bộ cấp cao có sai phạm như chúng ta đang "chặt cành sâu để cứu cả cái cây".

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói về việc xử lý cán bộ có sai phạm. Nguồn: Quốc hội

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, qua cả nhiệm kỳ khoá XII và đặc biệt một số năm gần đây, chúng ta thấy rằng xử lý cán bộ có vi phạm là công cuộc thường xuyên, liên tục, rất quyết liệt. Phạm vi rất rộng, trong cả nước, từ trung ương tới địa phương, từ cán bộ cấp cao nếu có vi phạm đều bị xử lý.  

“Việc xử lý cán bộ sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ - câu nói này không phải chỉ là khẩu hiệu mà đã được tiến hành một cách rất quyết liệt” - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn