MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Media Quốc hội

Xử lý hình sự vụ bà Phương Hằng vi phạm trên mạng xã hội có tính răn đe cao

Vương Trần - Ngô Cường LDO | 07/11/2023 17:40

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bộ, ngành, địa phương nào quản lý gì trong thế giới thực phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng. Nếu thực thi gặp khó khăn thì sẽ có hỗ trợ của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Công an.

Bộ ngành quản lý trong thế giới thực thì phải di chuyển cả không gian mạng

Chiều 7.11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các nội dung liên quan tới các vấn đề thuộc nhóm văn hóa - xã hội. 

Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) nêu rõ, thời gian qua, có nhiều trường hợp sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube hoặc các website có máy chủ ở nước ngoài để quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định, nội dung quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận.

Quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, sử dụng danh nghĩa của các cơ quan như y tế, cắt ghép hình ảnh của VTV, bệnh viện, Bộ Y tế; có ý kiến phản hồi của người bệnh, người nổi tiếng... vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ít thông tin.

Đại biểu Quốc hội Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu). Ảnh: Media Quốc hội

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết giải pháp để xử lý vấn đề này một cách căn cơ, lâu dài theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 75 năm 2022, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Về quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết, các quảng cáo này có trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

Vừa qua Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng này để gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật; đồng thời thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các bên.

Hiện nay, tỉ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội là rất nghiêm. Nhưng vấn đề là phải có phát hiện và báo cáo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề đặt ra là bộ, ngành, địa phương nào quản lý gì trong thế giới thực, phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý trên không gian mạng. Nếu thực thi gặp khó khăn thì sẽ có hỗ trợ của Bộ TTTT và Bộ Công an.

“Mặt khác, các bộ ngành lên không gian mạng chưa nhiều, và nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ TTTT, đây là quan niệm cần được thay đổi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi.

Xử lý nghiêm để răn đe

Về câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) về bảo vệ người dùng trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công tác quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72, dự kiến được Chính phủ ký ban hành trong cuối năm nay. Đây là nghị định căn bản để quản lý mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư sẽ xử lý như thế nào.

Bộ trưởng khẳng định, sau khi có thể chế, cần có thiết chế để hỗ trợ người dân. Bộ TTTT đã thành lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia, nhưng cũng cần thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn tại các tỉnh để hỗ trợ người dân.

Bộ TTTT cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm để răn đe.

“Ví dụ, vừa rồi, chúng ta cũng thấy vụ xử lý bà Phương Hằng. Những vụ việc được xử lý nghiêm minh, xử lý hình sự như thế này mang tính răn đe cao” - Bộ trưởng Hùng nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ TTTT cho rằng cần có phương án, giải pháp xây dựng văn hóa số, đưa vào chương trình giáo dục thông tin, lồng ghép vào các giờ học về công nghệ thông tin…

Triển khai phủ sóng 4G, 5G

Trả lời chất vấn đề của đại biểu liên quan đến tiến độ phủ sóng 4G, 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc triển khai phủ sóng có thuận lợi là triển khai trên hạ tầng của sóng 2G, 3G nên tiến độ triển khai phủ sóng sẽ nhanh hơn.

Bộ trưởng cho biết, đăng ký thuê bao trực tuyến 4G đến thời điểm này đã đạt 99,8% dân số, dự kiến năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu. Về sóng 5G, dự kiến cuối năm nay sẽ đấu giá, sau đó các nhà mạng sẽ triển khai diện rộng trên toàn quốc.

Về đăng ký thuê bao ở vùng không thuận lợi, Bộ TTTT đang nghiên cứu đăng ký thuê bao bằng hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo chính xác, không xuất hiện sim rác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn