MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định). Ảnh quochoi.vn

Xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng

CAO NGUYÊN - ĐẶNG CHUNG LDO | 05/11/2019 15:06
Hôm nay (5.11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, đa số đại biểu cho rằng nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng phức tạp đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật mang tính răn đe, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Có dấu hiệu tham nhũng mà không chứng minh được

Trong phiên thảo luận ở hội trường ngày hôm qua (4.11), nhiều đại biểu đồng tình với các báo cáo đã trình bày trước Quốc hội. Tuy nhiên, họ cho rằng vấn đề tham nhũng, tín dụng đen, xâm hại tình dục trẻ em... vẫn đang gây bức xúc trong dư luận và cần phải có biện pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đánh giá cao việc trong thời gian vừa qua nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá và được đưa ra truy tố, xét xử tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đáng lưu ý là một số vụ án tham nhũng đã được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn lên tới hàng triệu USD.

Bà Hoa dẫn chứng, vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm trong quá trình bị điều tra về các tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền thì còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ. Sau đó được VKSND tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho biết, qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy rằng tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua là có. Theo ông Hùng, tuy không gây thiệt hại lớn nhưng, đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách phòng, chống tham nhũng, bảo vệ công lý.

Ông Hùng nói: Đây là vấn đề tôi thấy Ủy ban Tư pháp đã nêu trong nhiều năm nhưng tình hình không có chuyển biến, thậm chí chuyển biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm.

Nói về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho rằng, tham nhũng đang từng bước kiềm chế, đẩy lùi góp phần giữ vững ổn định chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không nương nhẹ. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng phức tạp đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật mang tính răn đe, phòng ngừa tham nhũng củng cố niềm tin của nhân dân và cán bộ đảng viên.

Trong khi đó, đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) trăn trở với công tác chống tham nhũng còn những hạn chế nêu trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp. Cụ thể tiêu cực của một số cán bộ thực thi đền bù giải phóng mặt bằng, lợi dụng chính sách, lợi dụng kém hiểu biết của người dân để trục lợi, tham nhũng.

Cảnh báo tín dụng đen biến tướng

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đã đề nghị xử lý nghiêm tình trạng tín dụng đen đang diễn ra ở nhiều địa phương. Đại biểu Mai Khanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, tội phạm tín dụng đen vẫn còn rất phức tạp, đáng lưu ý là đang có những dấu hiệu biến tướng. Đại biểu nói, qua công tác xét xử cho thấy các công ty tài chính, các công ty cầm đồ có những dấu hiệu lợi dụng cả các cơ quan pháp luật. Các các công ty này tìm mọi cách, kể cả bày cho người vay làm giấy tờ giả sau đó lại tố cáo họ là lừa đảo để các cơ quan pháp luật xử lý.

Kiến nghị Chính phủ cần giải quyết từ gốc, đại biểu Khanh cho rằng, cần xem xét có nên cấp phép cho các công ty này hoạt động không, trong khi công tác giám sát của các cơ quan chức năng với hoạt động này còn rất nhiều hạn chế.

Cũng liên quan đến tín dụng đen, theo đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ (đoàn Hòa Bình), cùng với cờ bạc, lô đề, tín dụng đen đang xảy ra khá phổ biến cả ở nông thôn, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống của nhân dân.

30 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tham nhũng

Báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về kết quả công tác thanh tra, trong năm 2019, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 7.500 cuộc thanh tra hành chính và hơn 252.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Năm 2019 có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, có 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã khởi tố 436 vụ, khởi tố 766 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê; trong đó đã khởi tố 214 vụ án, 497 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại điều 201 Bộ luật Hình sự).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn