MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều dự án tại Thủ Thiêm (TPHCM) vi phạm quy định về trật tự xây dựng. Ảnh: LÊ QUÂN

Xử lý nghiêm cán bộ “đi đêm”, tiếp tay cho sai phạm

NHÓM PV LDO | 14/07/2019 08:57

Một trong những điểm nóng được chất vấn và thảo luận nhiều tại các cuộc họp Hội đồng nhân dân như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng,… là vấn đề vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Trước tình trạng cứ “đụng vào đâu là ở đó thấy vi phạm”, không ít đại biểu đã đặt ra vấn đề: Phải chăng có sự bất lực của cơ quan chức năng cũng như sự bao che, tiếp tay của một bộ phận cấp quản lý.

Những con số giật mình

Theo báo cáo từ Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 10.194 công trình, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 74 trường hợp xây dựng không phép; 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, ô nhiễm môi trường...

Thanh tra Sở đã ban hành 138 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 17 tỉ đồng.

Đó là những con số rất khả quan, thế nhưng lại không cho thấy quy mô và mức độ vi phạm của từng công trình, dự án. Trên thực tế rất nhiều công trình “khủng” chỉ được phát hiện thông qua phản ánh của người dân và phát hiện của cơ quan báo chí.

Trước đó, tháng 3.2019, tại phiên họp hội đồng nhân dân TP khi bị chất vấn về 80 công trình tồn đọng từ trước năm 2018 chưa được giải quyết Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận trong năm 2018, do không đẩy nhanh tốc độ xử lý nên số lượng công trình vi phạm tồn đọng còn nhiều. Trước năm 2018, từ 413 công trình còn tồn đọng đã giảm xuống còn 80 công trình, nhưng năm 2018 không xử lý thêm được trường hợp nào. Nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý của các cấp cơ sở và việc thanh tra, kiểm tra của thành phố chưa kịp thời.

Nhiều công trình, dự án lớn như 8B Lê Trực gần 3 năm chưa xử lý dứt điểm, hay chỉ khi báo chí lên tiếng, những công trình sai phạm tại Sóc Sơn mới được thanh tra làm rõ.

Trong khi đó, tại TPHCM, vi phạm về trật tự xây dựng tăng rõ rệt, lên đến gần 40% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, TPHCM xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.136/1.640 trường hợp vi phạm, trong đó, xây dựng sai phép có 619 trường hợp; xây dựng không phép 616, vi phạm khác có 405 trường hợp. Những con số trên rõ ràng là chưa phản ánh hết những sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại TPHCM. Đến mức, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đã phải công khai: Nếu không có giải pháp đúng mức và quyết tâm cao, cùng sự phối hợp giữa các sở, ngành thì vấn đề này sẽ không dừng lại mà tiếp tục nảy sinh những rắc rối mới. Rồi ông Khuê đặt vấn đề: “Khi chúng tôi xuống phường xã thì thấy rằng, còn những cán bộ thiếu sự hướng dẫn, chia sẻ với dân và không loại trừ có người “đi đêm” với hành vi sai phạm”.

Công trình tại 8B Lê Trực (Hà Nội) sau 3 năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Ảnh: H.N

Xử lý cán bộ đi đêm, đồng lõa với sai phạm

Liên quan đến vấn đề xử lý cán bộ trong quản lý đất đai, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết: Từ 2016 đến nay, đã xử lý 98 cán bộ, công chức và các lao động hợp đồng thuộc lực lượng thanh tra xây dựng do có liên quan đến các sai phạm xây dựng. Trong đó có 72 trường hợp bị khiển trách, 16 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị hạ bậc lương, 2 trường hợp bị giáng chức, 5 trường hợp bị buộc thôi việc. Trong số 98 trường hợp bị áp dụng các hình thức kỷ luật trên có 20 trường hợp là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo.

Siết chặt hơn công tác thanh tra xây dựng, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định số 04/2019/QĐ-UBND về quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, có hiệu lực từ tháng 4.2019. Theo quyết định này công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công tới khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh; đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch.

Đặc biệt, cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm, sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật theo quy định hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường.

Còn tại TPHCM, để không xảy ra bức xúc từ dư luận về việc đồng lõa, bảo kê trong xây dựng Thành ủy Thành phố đã có chỉ đạo chính quyền TP và các quận, huyện tiến hành kiểm tra, đánh giá lại thực trạng và đề xuất các giải pháp để giải quyết những tồn tại trong vấn đề này. Bí thư, Chủ tịch chịu trách nhiệm trước Thành ủy về việc để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng không phép, sai phép. Theo PCT UBND TP Trần Vĩnh Tuyến: Thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành tổng rà soát đánh giá thực trạng xây dựng, quản lý đô thị trên toàn địa bàn; có giải pháp xử lý kiên quyết ngay từ đầu đối với những trường hợp vi phạm về xây dựng, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu địa phương; đến cuối năm 2019 giải quyết cơ bản tình trạng xây dựng không phép, tạo chuyển biến, giảm mạnh trường hợp sai phép để hướng đến giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng không phép và giải quyết cơ bản tình trạng xây dựng sai phép vào năm 2020.

Trình phương án giải quyết khiếu nại của người dân Thủ Thiêm trước 20.7

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan vừa có chỉ đạo về việc tập trung xử lý khiếu nại của công dân cho rằng, nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Ông Võ Văn Hoan giao Chủ tịch UBND quận 2 khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng quận tập trung tiếp từng công dân, hướng dẫn thực hiện việc khiếu nại cho rằng nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp theo đúng quy định của Luật Khiếu nại. Trong đó, ưu tiên có phương án tiếp cận, hướng dẫn ngay 28 hộ dân khiếu nại tập trung tại thủ đô Hà Nội (hiện đã về địa phương) thực hiện quyền khiếu nại theo quy định pháp luật. Quận cũng tiếp nhận hồ sơ, tài liệu có liên quan đến khiếu nại để xem xét, giải quyết khiếu nại lần đầu theo thẩm quyền và quy định pháp luật, sau đó tổng hợp, báo cáo tình hình, hướng xử lý khiếu nại gửi UBND TPHCM trước ngày 20.7.2019 để chuẩn bị báo cáo, trao đổi với Thanh tra Chính phủ.

Ngày 12.7, tại kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX, HĐND TP đề nghị UBND TP khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các Kết luận của Thanh tra Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ về khu đô thị mới Thủ Thiêm. Xử lý theo quy định đối với cán bộ, công chức có vi phạm trong quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, UBND TP chỉ đạo UBND quận 2 tiếp tục đối thoại với các hộ dân có nhà, đất trong phạm vi 4,3ha (phường Bình An) về chính sách hỗ trợ, hoàn chỉnh phương án chính sách hỗ trợ về tái định cư để UBND TPHCM trình HĐND TPHCM trong tháng 7.2019. HĐND TPHCM cũng đề nghị UBND TPHCM giải quyết khiếu nại của các hộ dân tại 5 khu phố của phường Bình An, An Khánh, Bình Khánh theo quy định của pháp luật.

MINH QUÂN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn