MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xử lý nghiêm tình trạng lừa gạt, đem con bỏ chợ người lao động ở nước ngoài

Vương Trần LDO | 20/04/2020 19:30
Nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), phải quy định các điều kiện chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi, bỏ rơi người lao động.

Cần quan tâm tới lĩnh vực lao động có giá trị gia tăng cao

Chiều 20.4, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh phải phân biệt việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo luật và loại đưa người lao động trái phép, đi du lịch, thăm thân rồi ở lại.

"Chúng ta cần nhìn nhận đưa lao động ra nước ngoài là tạo việc làm, giải quyết được thu nhập, nhiều người có cuộc sống khá hơn nhưng bên cạnh đó cũng có trường hợp thương tâm, “đem con bỏ chợ”" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý cần quan tâm đến ngành nghề, dần dần chuyển sang lĩnh vực lao động có giá trị gia tăng cao hơn chứ không chỉ lao động phổ thông thuần tuý, giản đơn. Muốn thế cần quan tâm hơn vấn đề đào tạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh Quochoi.vn

Người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị quan tâm bảo vệ quyền lợi của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng như khi họ quay về. Luật phải cải cách hành chính, tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp. Song song là các điều kiện chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động khi gặp khó khăn.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải ứng dụng khoa học công nghệ để có cơ sở dữ liệu đối với người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Cần có cơ sở dữ liệu để quản lý được ai đi, ai về, ai ở lại. Ngành nghề nào có nhiều người lao động đi làm việc tại nước ngoài…

Xử lý nghiêm tình trạng lừa gạt, chèn ép người lao động

Tán thành với sự cần thiết phải sửa cơ bản, toàn diện luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng giai đoạn này phải có cách nhìn khác so với trước đây khi đất nước đã mở cửa, thời đại hiện đại hoá, cách mạng công nghiệp 4.0.

Luật phải khắc phục, xử lý được bất cập, hạn chế của luật hiện tại cũng như việc tổ chức thực hiện luật. Nhiều sai phạm cho thấy tổ chức thực hiện không tốt, lợi dụng rất nhiều, người lao động bị lừa gạt, lợi dụng, chèn ép. Do đó, Luật được ban hành cần chấn chỉnh vấn đề này.

"Trách nhiệm phải rõ và chế tài phải nghiêm khắc hơn. Có những doanh nghiệp đã bị xử phạt rồi nhưng sau thời gian lại bị tái phạm" - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói đồng thời nhấn mạnh người lao động ở nước ngoài không chỉ mang lại thu nhập mà còn liên quan đến hình ảnh, danh dự đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận nội dung thảo luận. Ảnh Quochoi.vn

Ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh bày tỏ băn khoăn khi thời gian vừa qua hành vi lợi dụng chính sách này quá nhiều nhưng phát hiện và xử lý không kịp thời, không nghiêm. Vậy luật này có lỗ hổng gì không? Có ý kiến nói khâu tổ chức thực hiện không tốt nhưng cũng có có ý kiến cho rằng luật phải chặt chẽ hơn. 

Báo cáo giải trình thêm một số vấn đề liên quan tới các khoản phí, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định các loại phí đều công khai, loại gì thu thêm hay không thu đều ký kết giữa 2 quốc gia.

"Tuy nhiên thực tế có tình trạng “bên ngoài” thu đúng nhưng đằng sau có hợp đồng ngấm ngầm. Tình trạng công ty ma, trá hình là có và vừa qua xử lý nhiều trường hợp" - ông Dung nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn