MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số công sở cấp xã tại Phú Thọ sau sắp xếp đơn vị hành chính còn để bỏ hoang, lãng phí. Ảnh: Tô Công

Xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Vương Trần LDO | 31/03/2023 07:30

Theo dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, tỉnh Phú Thọ giữ nguyên 13 đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã thành 28 đơn vị hành chính mới, giảm 52 đơn vị.

Sau hơn 2 năm hoàn thành việc sắp xếp, một số trụ sở xã cũ đã được tận dụng để làm điểm giao dịch ngân hàng, chợ tạm, nơi sinh hoạt cộng đồng, xây dựng trường học... Tuy nhiên, nhiều trụ sở vẫn trong tình trạng bỏ hoang gây lãng phí.

Ví dụ, tại huyện Cẩm Khê, 3 xã Thanh Nga, Sơn Nga, Sai Nga và thị trấn Sông Thao thành thị trấn Cẩm Khê. Tuy vậy, hiện cả trụ sở xã cũ đều đang không được sử dụng.

Một số công sở bị bỏ hoang sau sắp xếp tại Phú Thọ chỉ là một trong nhiều địa phương xảy ra tình trạng này.

Liên quan tới việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Bộ Nội vụ chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, Bộ này chỉ rõ việc sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc, tài sản công của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa hiệu quả; việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp các trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn một số tỉnh còn chậm và có nhiều bất cập. 

Những khó khăn, bất cập và những bài học kinh nghiệm trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 cũng được Bộ Nội vụ xác định để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp trong việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính được quy định tại Điều 15 dự thảo nghị quyết này.

Theo đó, dự thảo nghị quyết nêu rõ, căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương đã được Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý kèm theo Đề án;

Các bộ, cơ quan trung ương có liên quan phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ khi Chính phủ xem xét Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương.

Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Việc sắp xếp trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công dôi dư để bổ sung kinh phí cho địa phương, bảo đảm đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, tránh gây lãng phí, giảm giá trị do tài sản hư hỏng, xuống cấp. 

Chính quyền địa phương các cấp chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn