MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Cát Linh - Hà Đông nếu đảm bảo tuyệt đối thì cho chạy tàu. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Xử nghiêm tổ chức, cá nhân cản trở, làm chậm giải ngân đầu tư công

XUÂN HẢI LDO | 27/09/2019 11:51

Ngày 26.9, phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải kỷ luật kịp thời nghiêm minh đối với những vi phạm, làm chậm, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không biết làm việc, hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ được giao.

Có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỉ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018, trong đó, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và ODA đều đạt thấp.

Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ, ngành và 4 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Là một trong những bộ có nhiều công trình, dự án dùng vốn đầu tư công, Bộ Y tế cho biết, tính đến 20.9, bộ đã giải ngân 24% dự toán, trong đó vốn đầu tư cho 2 bệnh viện tuyến cuối là Bạch Mai và Việt Đức 2 đạt 35%. Dự kiến tỉ lệ giải ngân đối với 2 dự án bệnh viện này đạt trên 70% vào cuối năm 2019. Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, phát biểu kết luận, Thủ tướng lưu ý bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thì cần quan tâm chất lượng công trình, dự án, “đừng làm dối, làm hỏng, đừng ăn cắp định mức, rút ruột công trình”. Thủ tướng cho rằng, giải ngân thấp là căn bệnh trầm kha cần tiếp tục tháo gỡ. “Mình có nói nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, nhất là khâu điều hành dự án, trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư”. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tập trung chỉ đạo công tác này.

Một nguyên nhân chủ quan nữa là tình trạng không sát sao chỉ đạo, không trực tiếp tháo gỡ, chưa phân cấp, giao quyền, bệnh nhũng nhiễu, gây khó ở một số cấp, một số ngành, một số cơ quan. Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về căn bệnh này, khi xem xét thi đua khen thưởng, đề bạt cán bộ thì xem xét nhiệm vụ đầu tư xây dựng mà cán bộ đó từng phụ trách có chậm trễ, gây thất thoát hay không.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Ảnh: VGP

Dự án Cát Linh - Hà Đông nếu đảm bảo tuyệt đối thì cho chạy tàu

Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị đã thống nhất cao với quan điểm chỉ đạo là tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cấp bách của các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị liên quan từ nay đến cuối năm 2019 và trong năm 2020, năm cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn là 2016 - 2020. Vốn thiếu và ít nên phải được giải ngân hiệu quả, kịp thời. Các bộ, ngành, địa phương nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo này. Phải kỷ luật kịp thời nghiêm minh đối với những vi phạm, làm chậm, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không biết làm việc, hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ được giao.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các bộ trưởng, trưởng ngành, các đơn vị phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực phấn đấu tối đa để giải ngân hết số vốn kế hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết 01 đã đề ra.

“Tôi đã chỉ đạo rất cụ thể để đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…, yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân” - Thủ tướng nói và nêu trường hợp dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã có khoản vốn trên 11.000 tỉ đồng chuyển về tài khoản, nhưng đến nay “các đồng chí vẫn nói để tháng 10 sang năm mới làm”. Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai rút kinh nghiệm. Hay dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn một số tồn tại thì sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý để giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn lại trước ngày 5.10.2019. Báo cáo Thủ tướng trước ngày 10.10.2019 việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu giải ngân thêm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “tiêu không hết là điều chỉnh vốn”. 

4 hậu quả của việc chậm giải ngân vốn đầu tư

Thủ tướng nhấn mạnh 4 hậu quả lớn của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công. Thứ nhất, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Chúng ta còn một khối lượng lớn vốn ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Hậu quả thứ hai là vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Hậu quả thứ ba là gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Hậu quả thứ tư là doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút. B.T.S

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn