MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xử nghiêm vụ Việt Á không làm nhụt chí người dám nghĩ, dám làm của ngành y

Nhóm PV LDO | 15/06/2022 14:30

Xử lý nghiêm những người có sai phạm vụ Việt Á không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của ngành. Do vậy, cán bộ quản lý không nên có tâm lý “sợ sai” mà không dám thực hiện các công việc vì sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Không nên có tâm lý vì "sợ sai" mà không dám nghĩ, dám làm

Tính đến nay, tổng cộng đã có hơn 60 bị can bị Bộ Công an và công an các địa phương khởi tố trong vụ án liên quan đến kit test Việt Á.

Trong đó, hai bị can từng giữ chức vụ cao nhất là Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cựu Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ). Hàng loạt bị can khác là giám đốc CDC các địa phương, cán bộ các cơ sở y tế tại nhiều tỉnh, thành cũng đã bị khởi tố.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 15.6, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, các y, bác sĩ luôn là lực lượng ở tuyến đầu. Căng thẳng, áp lực, và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Người dân cả nước rất xúc động và ghi nhận những đóng góp của ngành y nói chung, các y, bác sĩ nói riêng trong quá trình chiến đấu với COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh những người dấn thân, cống hiến thì vẫn có những cán bộ sai phạm các quy định của pháp luật, trục lợi bất chính từ dịch bệnh. Những cán bộ có sai phạm thì phải xử lý theo đúng quy định.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam). Ảnh: T.Vương

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, xử lý những người có sai phạm nhưng không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của ngành. Do vậy, cán bộ quản lý không nên có tâm lý “sợ sai” mà không dám thực hiện các công việc vì sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

"Sai phạm trong vụ Việt Á là vụ việc “đau lòng” nhưng không đại diện cho cả ngành y, không đại diện cho hệ thống y tế Việt Nam. Đó chỉ là một số trường hợp sai phạm cụ thể, có yếu tố cố ý vi phạm các quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng nên phải xử lý nghiêm" - ông Hạ nói.

Từ vụ Việt Á, theo đại biểu Tạ Văn Hạ, cán bộ quản lý phải vượt qua được ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, cái được và không được.

“Cán bộ nếu không có bản lĩnh, không trau dồi, rèn luyện thì việc suy thoái, dễ bị cám dỗ, bị cuốn theo ma lực của đồng tiền dẫn tới sa ngã” - ông Hạ nói và cho rằng cần phải xử lý những người có sai phạm, đúng người, đúng tội. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý trong vấn đề xã hội hoá, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế để người dân, người bệnh là những người được hưởng lợi nhất.

Lên án hành vi sai phạm chứ không phải lên án cả ngành y

Cùng trao đổi liên quan tới vấn đề này, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho rằng: Những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước trong ngành y thời gian qua, điển hình là vụ Việt Á, là sự việc “rất đáng tiếc”, nhưng đây không phải là sai phạm của cả ngành y tế.

“Những vụ việc xảy ra đối với ngành y tế thời gian qua là đáng tiếc, nhưng đây chỉ là những con sâu bỏ rầu nồi canh” - đại biểu Tạ Thị Yên cho hay, chúng ta lên án hành vi sai phạm trong ngành y chứ không phải lên án cả ngành y.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên).

Đại biểu Tạ Thị Yên cho hay, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quán triệt tinh thần, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Đối với hành vi sai phạm, không chỉ riêng ngành y mà đối với tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội, việc xử lý sai phạm phải đúng người, đúng tội, không có vùng cấm.

Theo Đại biểu Yên, cần có những giải pháp để quan tâm đến ngành y, đến bác sĩ. Trong đó, trước mắt, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm triển khai tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho các y, bác sĩ, nhất là những người tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các y, bác sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình.

Đại biểu Yên cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế; nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của ngành y như: Chính sách giá viện phí, tính đúng, tính đủ chi phí để bảo đảm duy trì sự hoạt động của các bệnh viện. Trong đó có chi phí bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế; chế độ, chính sách đối với y, bác sĩ như chính sách lương khởi điểm của bác sĩ, chính sách thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi nghề, chính sách thu hút đối với các lĩnh vực đặc biệt trong ngành...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn