MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vẻ đep tơ lụa Việt. Ảnh: M.H

Người Việt đẹp hơn

Nguyễn Thị Ngọc Hải LDO | 27/01/2023 06:00

“Ăn cho mình, mặc cho người” - câu của người xưa, mặc đẹp cho người ngắm giờ không hoàn toàn đúng nữa rồi. Người Việt mình ngày càng sành điệu cả ăn lẫn  mặc. Thật đúng, “Ăn đã tinh, mặc đã khôn”...

Ngày càng sành điệu

Nhớ, đời đã có chị em bị chồng chê vì anh ấy toàn nhìn thấy vợ  mình trong trạng thái lôi thôi xấu xí hơn các cô anh thấy ở ngoài phố hay công sở. Mặc cho người… ngắm ngoài đường, mặc là sĩ diện giàu nghèo sang hèn. Ở nhà mặc đẹp nó phí đi - là chuyện ngày xưa.

Bây giờ có chị giúp việc… chê cái áo bà chủ  nhà đưa  “Cầm về cho con nó mặc, còn tốt”. “Bà ơi, con nhà cháu nó  không mặc  đồ cũ đâu. Nó mua… đồ hiệu. Mà bà nhìn cái kệ giày chị em nhà nó, phát khiếp. Cháu mắng mãi  chả ăn thua. Quần áo cũ đem về quê cho giờ họ không lấy nữa. Phố chợ cửa đình có cả tiệm dưỡng da làm đẹp, ai cũng dùng mỹ phẩm, kể cả bà xồn xồn lên  sân chùa tập múa…”.

Vẻ đep tơ lụa Việt. Ảnh: M.H

Thế là mừng chứ sao. Xưa có lúc mặc thanh lịch thuần khiết, nay phá cách ấn tượng, cá tính năng động. Người Việt nay mặc đẹp lắm. Câu “Ăn Bắc, mặc Nam” giờ cũng không còn đúng nữa rồi. Phở Bắc từ Hà Nội “lây” vào Nam bao năm nay,  còn “model” váy áo các cô Hà Nội  thấy cũng đẹp lạ lùng. Họ có mùa Đông nên diện khác gì Paris, có người còn chê “Mỹ ăn mặc kém gu”, hay, “hễ cứ ai quần jean áo pull là  Mỹ về, Sài Gòn ra”… Bây giờ các nhận xét kiểu đó may ra… chỉ đúng 5 phút.

Nghe quảng cáo mới thấy hết độ sang trọng hiện đại của người Việt. Mặc đẹp để thành công. Nhắn nàng công sở đầu tư áo thun có cổ, chân váy đen sơ mi trắng, vest… phải có trong tủ đồ. Lời khuyên miên man rót/dội vào tai: “Đừng theo ngôi sao, không mua khi thích; chỉ mua khi cần”; “Đừng mặc sai cảnh, sai dáng, sai dịp”;  “10 mẫu váy xinh, 6 cây son đỏ”… Thậm chí mấy câu giao tiếp tiếng Anh còn phải biết khen người ta mặc đẹp khi dự sự kiện “I like…” (tôi thích...);  “where did you buy it” (bạn mua nó ở đâu thế)...

Và những câu kiểu như thế này chỉ còn thấy khi tra cứu chuyện xưa chứ nay ai dùng, như “Cơm 3 bát, áo 3 manh”; “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền”; “Chân tốt về hài, tai tốt về hoa”...

Người hiện đại bây giờ mặc kệ “các ông nói lời sấm” mâu thuẫn nhau chan chát. Thomas Fuller vừa bảo “good clothes open all the doors  - áo quần đẹp mở mọi cánh cửa” thì có ngay nhà văn Dickens “những vĩ nhân chẳng bao giờ chú ý ăn mặc”… Chắc rằng chỉ để ai tra cứu khi… làm luận văn.

Ngày xưa thời bao cấp - mới chỉ cách mấy chục năm mà đã thành ngày xưa cổ tích - đám thanh niên 30-40 tuổi nay không biết gì. Hồi đó có mấy mét vải ở trong tem phiếu cũng phải bán phiếu đi để mua gạo ăn chứ chưa được mặc, người ta nhại Kiều “Bắt phanh trần, phải phanh trần/ Cho may ô mới được phần may-ô”.

Vẻ đep tơ lụa Việt. Ảnh: M.H

Hôm nay thì đố ai biết chắc trend ăn mặc có tồn tại bao lâu, và ra đường thấy đủ kiểu hết. Chuyện cười đùa nhà nghèo mặc jean rách cũng xưa rồi. Giờ nghèo rách thật được như vậy cũng hiếm.

Bây giờ ngoài đường cái gì cũng có, kiểu gì cũng thấy... Từ tối giản minimalism style - trắng đen ít chi tiết, sắc sảo tự do, bohemian phóng khoáng giả luộm thuộm, đến phi giới tính phá cách. Giày sneakers, boots cao cổ. Hễ ai đọc câu “trông mặt mà đặt hình dong” thì sẽ có ngay câu tiếng Anh hẳn hoi cho nó... kinh - đối lại  là “Cant’judge a book by its cover” - Không biết được nếu nhìn bề ngoài.

Có vẻ… lộn xộn bất khả tri vậy, nhưng có đấy, có chuẩn hết.

Tơ lụa Việt lên ngôi

Gặp nhà thiết kế Minh Hạnh vừa từ Ý về, chưa kịp hỏi chuyện thì chị đã bay lên Đà Lạt cho một sự kiện lớn được tổ chức bên hồ Xuân Hương.

Chị đã đem những thiết kế trên sản phẩm lụa tơ tằm Việt Nam đến khắp nơi - những kinh đô của thời trang như Pháp, Ý, Nhật, Thụy Sĩ… Lần này chị cùng Vietnam Silk House đến San Marino - Cộng hòa Đại bình an nằm gói gọn trong lãnh thổ nước Ý, vào tháng 9-2022.

Chị đã đi Ý nhiều, nhưng lần này chị kể:

“Ở đây, lụa Việt Nam được giới thiệu trang trọng với sự có mặt của Tổng thống và những nhân vật cao cấp nhất trong Chính phủ. Cho thấy lụa có những năng lực khác là nối kết Việt Nam với các quốc gia thông qua những vẻ đẹp mang tính bản sắc riêng biệt. Với tôi thì cùng lụa chinh phục thế giới là con đường thú vị nhất. Không một giá trị nào có thể sánh bằng khi chúng ta thể hiện tinh thần thời đại thông qua một chiến lược truyền thống quý giá.”

Và Minh Hạnh cho biết, lụa Việt Nam sẽ đến Como - thủ phủ tơ lụa của thế giới đã được xác định vào mùa Xuân 2023 tới.

Tranh vẽ của NSND Trà Giang lên lụa Việt. Ảnh: V.F.H

Thử hỏi Minh Hạnh, vải vóc giờ không kể xiết, tại sao lụa tơ tằm lại trở nên hấp dẫn nhất như vậy; chị cho rằng, các loại vải tự nhiên khác đều có gốc thực vật, chỉ tơ tằm có gốc động vật. Nó làm nên lụa như lớp da thứ hai của con người. Đặc tính của nó là cân bằng được thời tiết, trời nóng mặc mát mà trời lạnh thấy ấm. Mà kỳ diệu là bất cứ thời tiết nào mặc lụa cũng không hôi vì lụa kháng khuẩn 100% siêu sạch. Vua chúa xưa và các nhãn hiệu cao cấp nay thể hiện đẳng cấp chỉ có lụa. Những ai dùng nó đều thấy thoải mái và bị… đưa vào mê cung khó thoát vì luôn muốn bảo vệ cơ thể mình...

Nhiều người muốn biết vì sao nhà thiết kế Minh Hạnh đã chọn Bảo Lộc để sáng tạo thiết kế và đầu tư rất nhiều công sức ở Bảo Lộc? Mới biết rằng, vai trò của thiết kế là khẩn cấp với lụa và chỉ có thiết kế mới tạo được sự khác biệt cho lụa Việt Nam.

Minh Hạnh cho biết: “Bảo Lộc được biết đến là Thủ phủ tơ lụa Việt Nam hơn 35 năm kể từ ngày có Nghị định chính thức của Chính phủ xác định Bảo Lộc là vùng thổ nhưỡng phù hợp phát triển trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa. Nhưng cho đến nay, những sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc chủ yếu vẫn là gia công cho nước ngoài. Với yêu cầu phát triển thời trang Việt Nam thì lụa chính là một sản phẩm truyền thống nhiều giá trị để thời trang Việt ngẩng cao đầu và phát triển thị trường một cách hiệu quả nhất.”

Đã rất nhiều lần Minh Hạnh tham gia  giới thiệu lụa Việt Nam ra thế giới, và theo chị  thời điểm này vẫn là những thời điểm tích cực cho những cuộc chinh phục thế giới bằng tơ lụa Việt Nam.

Tơ lụa quan trọng thế, cho cả phát triển kinh tế xuất khẩu - nó rất nhạy bén với gu ăn mặc của người Việt ngày càng thời thượng.

Bây giờ lụa là không còn là cho “vua chúa” hiếm hoi nữa, cũng không để dành cho đi chơi sang trọng, mà nó còn làm nên những bộ đồ ngủ đẹp. Lụa  bền hơn cả cotton chứ chả phải liễu yếu đào tơ. Thấm hút tốt, bảo vệ da, không dễ nhàu như ta tưởng nó mong manh. Sản lượng có hạn, từ thiên nhiên, sản xuất tốn, quý hiếm, thiết kế đa dạng…

Người Việt ngày càng sành điệu, phát triển “con đường tơ lụa “ của ông cha. Ăn đã tinh, mặc đã khôn. Đó là gu - là “tâm hồn ăn mặc” của người Việt hôm nay. Các thế hệ được sinh ra ngày càng chuẩn. Chả thế, mà các cuộc thi người đẹp… bị kêu nhiều quá, và tên các Hoa hậu mà giờ cũng chả sao nhớ hết…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn