MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

5 cách “chiến thắng” cảm xúc trì hoãn

Trung Thành LDO | 23/07/2019 16:00
Rất nhiều người có năng lực tốt nhưng lại cứ mãi dậm chân tại chỗ. Một phần nguyên nhân chính là thói quen trì hoãn. Dù không phải là yếu tố quyết định thành công, nhưng nếu biết cách vượt qua sự trì hoãn, bạn sẽ mở ra nhiều cơ hội tích cực cho sự nghiệp. Dưới đây là 5 cách mà bạn có thể áp dụng.

“Cởi trói” tâm lý

Đừng tự ép mình vào nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp tạo sự căng thẳng. Bởi điều đó sẽ khiến bản thân mỏi mệt, tâm lý trở nên chán chường, nên dễ buông xuôi hay tìm cách trốn tránh. Thay vào đó, bạn nên tập hướng bản thân suy nghĩ theo hướng tích cực, cởi mở. Nghĩa là bất kể công việc khó khăn như thế nào, thì bạn vẫn tìm cách đón nhận theo cách vui vẻ nhất. Ví dụ, nếu gặp khó khăn khi tìm được việc làm phù hợp trên các trang web tuyển dụng tại Đà Nẵng, thì hãy nghĩ đó như là một trải nghiệm mới thú vị, thay vì chỉ tập trung đến các mặt tiêu cực và những trở ngại sắp đến.

 

Chủ động điều tiết cảm xúc

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự trì hoãn chính là khả năng điều tiết cảm xúc, nhất là với những bạn có xu hướng hành động vì cảm xúc hơn lý trí. Do đó, điều bạn cần làm tiếp theo chính là tìm cách chế ngự “trận chiến” cảm xúc. Ví dụ, khi đang cần tính toán điều gì vô cùng khó, thì bạn nên tạm dừng đôi chút để đi bộ thư giãn, hoặc nghe nhạc. Khi cảm xúc được cân bằng trở lại thì bạn sẽ dễ tư duy tích cực hơn nhằm vượt qua “rào cản” trì hoãn.

Đặt câu hỏi để hiểu bản thân

Tiếp theo, bạn cần tự suy nghĩ để hiểu nguyên do thực sự khiến bản thân hay chần chừ, do dự. Hãy bắt đầu với câu hỏi như: “Tại sao tôi lại không thích thực hiện công việc đó? Tại sao tôi lại cứ hay đình trệ những thứ liên quan với điều này?”.Ghi ra từng đáp án cho từng câu hỏi, sau đó xâu chuỗi lại bạn sẽ thấy tổng thể “bức tranh” một cách rõ ràng để giải quyết hiệu quả nhất.

 

Hãy biết “liệu cơm gắp mắm”

Một phần khiến bạn hay trì hoãn là cảm giác sợ thất bại với mục tiêu lớn. Bởi khi đối diện với các thử thách khó sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hơn so với những mục tiêu vừa tầm. Do đó, bạn nên biết “liệu cơm gắp mắm”.

Thêm nữa, bạn cũng nên thực hiện các công việc theo từng bước. Bởi khi bạn muốn thực hiện cùng lúc nhiều thứ sẽ khiến bản thân bị rối, dễ thỏa hiệp với các cảm xúc tiêu cực như một thói quen. Thành công từng bước nhỏ sẽ là sự tiếp sức hoàn hảo cho tiến độ chung.

Chia sẻ với người xung quanh

Đó có thể là đồng nghiệp, người thân, hoặc những người bạn trong các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội. Những lời động viên của họ sẽ là “liều doping” giúp bạn vượt qua sự trì hoãn. Không những vậy, bạn còn mở rộng mối quan hệ và thu lượm thêm nhiều kiến thức hữu ích cho công việc và cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn